Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Giáo dục chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19
Thứ tư: 08:20 ngày 12/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ lắng nghe ý kiến cơ sở, trao đổi cụ thể với địa phương nhiều vấn đề cả về chính sách giáo dục cũng như trong chuyên môn.

Đoàn khảo sát làm việc tại Bến Cầu.

Trong hai ngày 4 và 5.4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại hai huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trường THPT Tây Ninh.

Chất lượng giáo dục suy giảm

Tại huyện Bến Cầu, lãnh đạo Đảng uỷ xã Tiên Thuận cho biết, sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Đảng uỷ xã chỉ đạo các điểm trường trên địa bàn xã thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ quản lý ngành Giáo dục. Hiện tại, 5 trường (và điểm trường) trên địa bàn xã có 55 giáo viên, cán bộ quản lý là đảng viên, chiếm gần 62% tổng số giáo viên.

Đến thời điểm này, Đảng uỷ xã chưa kiểm tra hoặc giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện Nghị quyết 29 nhưng có kiểm tra, giám sát chi bộ trường học đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2021, tại một trường học thuộc địa bàn xã có một vụ bạo lực học đường; năm 2022, một giáo viên bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo. Khó khăn, hạn chế hiện nay của xã là thiếu giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc học mầm non. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở chi bộ trường học có lúc còn chưa tốt.

“Trường thuộc vùng biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đa số làm công nhân, nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ, một số ít phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình”- ông Huỳnh Thanh Tú, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường tiểu học Tiên Thuận C nói về khó khăn, hạn chế khi triển khai Nghị quyết 29.

Trong khi đó, lãnh đạo Trường THCS Tiên Thuận thông tin, cơ sở vật chất của nhà trường khang trang, tương đối đồng bộ, số lượng phòng học đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. “Chương trình mới phù hợp với mục tiêu yêu cầu đổi mới, nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế, học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức và phát huy được năng lực”- Hiệu trưởng Trường THCS Tiên Thuận, ông Huỳnh Ngọc Ẩn nhìn nhận về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về việc thực hiện Nghị quyết 29, lãnh đạo đơn vị này cho biết “chi bộ có thực hiện nhưng chưa được thường xuyên, liên tục”. Hiệu trưởng nhà trường kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, cân nhắc kỹ mức thu học phí đối với học sinh phổ thông, vì học phí có xu hướng tăng dần.

Tại xã Long Thuận, Đảng uỷ xã này khẳng định: “Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc về đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp với các đoàn thể luôn được quan tâm, cụ thể hoá trong nhiệm vụ từng năm học”.

Tuy vậy, đại dịch Covid- 19 khiến hoạt động giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề, kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình, nội dung phải cắt giảm trên tinh thần chỉ còn lại những nội dung cốt lõi. Xã Long Thuận hiện có một trường mầm non, ba trường tiểu học, một trường THCS và một điểm giữ trẻ ngoài công lập. “Đảng uỷ luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục, thường xuyên kiểm tra các khoản thu ngoài học phí, đặc biệt chú ý vấn đề đạo đức học sinh, bạo lực học đường” - lãnh đạo xã cho biết.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 29.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thuận A nhìn nhận, dịch bệnh Covid- 19 mấy năm qua khiến hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Về chính sách tiền lương, lãnh đạo nhà trường nói: “Chưa đáp ứng theo giá cả thị trường, cuộc sống của giáo viên còn gặp khó khăn”. Đại diện nhà trường đề nghị sớm cung cấp thiết bị dạy học để sử dụng trong hoạt động giáo dục.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn (thuộc xã Long Thuận), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Diệu thông tin, Chi bộ nhà trường có 17 đảng viên; về chuyên môn nghiệp vụ, trường có 1 thạc sĩ, 16 đại học, về lý luận chính trị, 2 trường hợp trung cấp, còn lại tương đương sơ cấp. Chi bộ chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra, 7 năm liền, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, nhận lá cờ đầu trong khối thi đua cấp THCS.

Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.

Trong chuyên môn, không thể phân công một giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên hoặc môn Lịch sử và Địa lý, vì trong trường sư phạm, giáo viên chỉ được đào tạo để dạy một môn học độc lập. Do đó, để một giáo viên dạy môn tổ hợp rất khó khăn. Dù được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn trong thời gian khoảng 3 tháng, nhưng một giáo viên, ngoài môn chính của mình thì trong thời gian ngắn không thể nắm được kiến thức của môn còn lại để thực hiện.

Hiệu trưởng Trường tiểu học - trung học cơ sở Bến Củi kiến nghị xem xét tách trường.

Kiến nghị tách trường sau ba năm sáp nhập

Đảng uỷ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu cho biết, ngoài những mặt thực hiện tốt, việc quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 tại địa phương còn nặng tính hình thức. Như nhiều địa phương khác, xã Phước Minh cũng đang thiếu giáo viên, nhất là bậc học mầm non.

Đối với xã Bến Củi, Đảng bộ xã quán triệt, cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đảng uỷ xã này, nguồn lực tài chính thực tế dành cho giáo dục còn thiếu, đội ngũ giáo viên thiếu và chưa đồng bộ. “Mức lương giáo viên mầm non chưa đảm bảo cuộc sống, chưa tương xứng công sức, thời gian lao động giáo viên đã thực hiện, vì thế cần có chính sách đãi ngộ để giáo viên yên tâm công tác”- Đảng uỷ xã nêu ý kiến.

Lãnh đạo UBND xã Bến Củi đánh giá, chất lượng, hiệu quả giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Quản lý giáo dục bộc lộ một số yếu kém, nặng về hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu. Thuần tuý chuyên môn, Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Bến Củi Phạm Thị Hoà cho biết, đa số các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có khối lượng kiến thức, bài tập, hệ thống câu hỏi vừa sức, phù hợp trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của giáo viên, một số môn học ở lớp 6, gồm Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý nội dung, kiến thức nặng hơn sách giáo khoa Chương trình 2000.

Một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến xã Bến Củi, Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Bến Củi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tách ra làm hai trường như trước năm 2019, vì thực tế chứng minh, việc sáp nhập có những điểm không hợp lý.

Tại các địa phương, trường học nêu trên, đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ lắng nghe ý kiến cơ sở, trao đổi cụ thể với địa phương nhiều vấn đề cả về chính sách giáo dục cũng như trong chuyên môn. Những nội dung này là cơ sở để chuẩn bị cho đợt giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với người đứng đầu cấp uỷ huyện Bến Cầu và Dương Minh Châu.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục