Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Giáo dục: Sẵn sàng cho năm học mới
Thứ năm: 22:26 ngày 29/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn vài ngày nữa, niên học 2019-2020 chính thức khai giảng, dù học sinh đã học trước đó vài tuần. Cho đến giờ, công tác chuẩn bị cho năm học mới hầu như đã hoàn thành.

Giờ học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, huyện Hoà Thành.

Tuyển sinh đầu cấp, sửa chữa trường lớp

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đã được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, lớp học 2 buổi/ ngày phát triển và mở rộng ở mọi địa bàn dân cư. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được bảo đảm.

Nhằm chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh cấp kinh phí 17 tỷ đồng để các trường sửa chữa nhỏ, tu bổ các công trình phụ, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh, nguồn cung cấp nước, các công trình xử lý chất thải nguy hại... Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành cơ bản.

Một số trường điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường tiểu học bán trú thu hút nhiều học sinh nên các trường thường không đáp ứng đủ nhu cầu. Sở GD&ĐT đã thực hiện những giải pháp nào để việc tuyển sinh được bảo đảm tính công khai, minh bạch? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở cho biết, công tác vận động học sinh ra lớp được ngành Giáo dục quan tâm chú trọng và tích cực triển khai nhiều biện pháp để thực hiện có hiệu quả.

Căn cứ vào danh sách học sinh trên địa bàn trường quản lý, trường phát hành thư gọi học sinh đến trường; thông báo lịch tuyển sinh  đến phụ huynh học sinh và tổ chức tuyển sinh (tuỳ theo tình hình thực tế, các đơn vị tổ chức tuyển sinh, đồng thời tiếp tục vận động trẻ trong độ tuổi bỏ học trở lại lớp để bảo đảm tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. 

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh (kể cả các trường tiểu học bán trú) đã tổ chức tuyển sinh lớp 1 năm học 2019-2020. Theo tinh thần này, các trường tiểu học thông báo kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, phát hành thư gọi trẻ đến trường gửi đến từng hộ gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1, tổ chức tuyển hết số trẻ trên địa bàn.

Nếu tuyển hết số trẻ trên địa bàn nhưng chưa đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ tiếp tục tuyển thêm số trẻ ngoài địa bàn (trước hết là số trẻ của các ấp, khu phố khác thuộc xã, phường, thị trấn nơi trường đóng, rồi đến các xã, phường khác). Sau khi có kết quả tuyển sinh, nhà trường báo cáo phòng GD&ĐT và thông báo công khai danh sách tuyển sinh bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Không được thu sai quy định

Về thực hiện các khoản thu đầu năm học mới, nhất là các khoản thu dưới hình thức “tự nguyện”, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Sở đã có Hướng dẫn số 1707/HD-SGDĐT ngày 1.8.2018 về cơ chế thu, chi và quản lý, sử dụng kinh phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Công văn yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong việc quản lý, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng các khoản đóng góp thực hiện đúng nguyên tắc “tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai và minh bạch”. 

Để giảm áp lực lên phụ huynh vì phải đóng góp nhiều khoản cho con em đầu năm học, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các khoản thu, chi theo và quản lý, sử dụng kinh phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. 

 Về thực hiện đề án hỗ trợ giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, đến nay đã đưa vào sử dụng 122 phòng học (tỷ lệ 81,8%), 18 phòng chức năng (tỷ lệ 52,4%), số phòng học chưa sử dụng 19 phòng (tỷ lệ 12,7%) trong đó có 11 phòng được tận dụng làm phòng chức năng.

Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non đang có một số khó khăn, vướng mắc. Trước đây chưa có chỉ tiêu biên chế tuyển giáo viên và tuyển không được giáo viên mầm non do không có nguồn tuyển. Mặt khác, thời gian hợp đồng giáo viên mầm non là 3 năm không mang tính bền vững (nhiều sinh viên băn khoăn khi hết thời hạn hợp đồng 3 năm liệu có tiếp tục được hợp đồng tiếp hoặc được tuyển dụng không). Mức lương thấp, chính sách ưu đãi khác hầu như không có dẫn đến nhiều huyện không hợp đồng được giáo viên mầm non.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, cần tăng cường công tác tuyên truyền thu hút giáo viên trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện tham gia đăng ký hợp đồng giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên an tâm công tác, gắn bó lâu dài. Tăng cường xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường mầm non ngoài công lập, lập phương án chuyển một số trường mầm non, phổ thông công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao để các trường ngoài công lập có thể chủ động bố trí giáo viên, xây dựng cơ chế chính sách chuyển một số trường công lập sang hình thức trường công lập tự chủ. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập.

Lắp Camera - Cam ở trường Mầm non

Việc lắp đặt camera ở các trường học, nhất là ở bậc học mầm non rất được phụ huynh ủng hộ. Từ tháng 4.2017, Sở GD&ĐT phối hợp VNPT triển khai thí điểm chương trình Camera-Cam tại Trường mầm non Tuổi Ngọc, TP. Tây Ninh. Đến tháng 9.2017, Sở khuyến khích các trường có điều kiện triển khai thực hiện. Đến nay có 32 trường, 41 cơ sở tư thục lắp đặt Camera-Cam trong lớp cho phép phụ huynh giám sát các hoạt động của trẻ tại trường qua các thiết bị điện tử thông minh. Việc lắp đặt camera ở các trường học, nhất là ở bậc học mầm non là một trong các giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục.

Đối với các trường mầm non công lập, khi triển khai chương trình Camera-Cam, VNPT Tây Ninh đã đầu tư triển khai trọn gói thiết bị hạ tầng mạng VNPT CAM cho trường (nhà trường không phải đầu tư kinh phí). Phụ huynh đăng ký sử dụng dịch vụ sẽ đóng phí dịch vụ và được cung cấp tài khoản để theo dõi trẻ ở trường qua thiết bị điện tử thông minh. 

Để đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh, Sở GD&ĐT  tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Cụ thể, tạo điều kiện cho Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh và một số trường đại học đến tuyên truyền hướng nghiệp cho 100% học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đến toàn thể học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Tiếp tục đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, thiết thực; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, những năm qua, công tác phân luồng học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn do tâm lý của đa số cha mẹ học sinh và bản thân các em muốn học trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở; chưa đánh giá đúng năng lực học tập, thế mạnh của bản thân để có thể quyết định tiếp tục học trung học phổ thông hay vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.

Giờ học tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, huyện Hoà Thành.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phân luồng học sinh trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện các giải pháp. Cụ thể là, điều tra, thống kê phân luồng học sinh sau trung học cơ sở hằng năm, gắn với việc vận động học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở có năng lực, điều kiện phù hợp với việc học nghề, tham gia vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Xây dựng, phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học. Tăng cường công tác quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động các nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh