Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngành Giáo dục Tây Ninh: Sẵn sàng cho năm học mới
Thứ hai: 05:52 ngày 20/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước thềm năm học mới, lãnh đạo ngành Giáo dục có cuộc trao đổi với báo chí tỉnh nhà về một số nội dung công việc chuẩn bị cho năm học 2018-2019.

Năm học mới, ở Trường TH Ðồng Kèn có thêm nhiều học sinh là con em của những hộ di dân từ Campuchia. Ảnh: Ðại Dương

ÐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC MẦM NON

Về công tác vận động học sinh ra lớp, sắp xếp lại trường lớp, bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD-ÐT cho biết, năm học 2018-2019 là năm thứ 6 toàn ngành triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục.

Toàn ngành đã và đang chú trọng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Công tác vận động học sinh ra lớp được quan tâm, chú trọng và tích cực triển khai.

Bằng nhiều hình thức, ngành Giáo dục và chính quyền các cấp đã và đang làm hết sức mình sao cho tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. Liên quan tình hình sắp xếp trường lớp, căn cứ Kế hoạch số 75, ngày 22.5.2018, của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 19, khoá XII của Trung ương Ðảng, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới an toàn, thuận lợi.

Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD-ÐT chia sẻ với phụ huynh, học sinh: “Dân tộc Việt Nam vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, sự học là vô cùng, thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi. Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, biết hết rồi”.

“Từ những đúc kết đó, tôi mong học sinh Tây Ninh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, học chăm chỉ, học thực chất, học để thành tài, học để làm người tốt, giúp cho Tây Ninh ngày càng giàu mạnh, phát triển”.

Ðối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Giám đốc Sở GD-ÐT thông tin, Sở GD-ÐT đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cấp kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy bảo đảm theo quy định.

Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chính sách đối với người dạy, người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều phòng học cũ đã được thay thế bằng phòng học kiên cố, phòng đạt chuẩn.

Nhà công vụ giáo viên cũng được chú trọng. Trong thời gian nghỉ hè của năm học 2017-2018, ngành ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai xây dựng trường học theo quy hoạch của từng huyện, thành phố đã được phê duyệt.

Qua báo cáo sơ bộ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đáp ứng tốt cho việc triển khai năm học mới. Tất cả các đơn vị, trường học trong tỉnh đã chuẩn bị tốt về mọi mặt để bước vào năm học mới.

Liên quan công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên cũng như khắc phục chuyện thiếu giáo viên mầm non, hiện đội ngũ giáo viên trong toàn ngành bảo đảm về số lượng để phục vụ cho năm học mới. Ðối với bậc học mầm non, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với quy định của Bộ GD-ÐT.

Năm học 2017-2018, Tây Ninh thiếu 566 giáo viên mầm non; nếu chỉ bố trí 2 giáo viên/lớp, tức thấp hơn mức quy định của Bộ, vẫn thiếu 398 người. Ngành đang trong quá trình hoàn thành 95 phòng học mầm non theo Ðề án phát triển giáo dục mầm non, do đó, nếu không có giáo viên sẽ gây lãng phí và khó lòng duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.

Ðể giải quyết phần nào tình trạng đó, ngành đã và đang thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, Sở GD-ÐT chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học ở các cấp học có quy mô nhỏ để tiết kiệm nguồn biên chế, tinh thần là ưu tiên cho đội ngũ giáo viên ngành học mầm non.

Trước mắt, các phòng GD-ÐT sẽ tiếp tục tuyển giáo viên mầm non (nếu còn biên chế). Ngành tiếp tục công tác xã hội hoá, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, từng bước phát triển loại hình trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện để ưu tiên nguồn biên chế cho bậc học mầm non. Tuy vậy, để thực hiện được điều này cần phải có lộ trình.

Do quá ít học sinh, Trường THCS Thạnh Tây đã được sáp nhập với Trường THCS Nguyễn Khuyến (xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên).

CHÂU THÀNH: GIẢI THỂ ÐIỂM LẺ, SÁP NHẬP MỘT SỐ TRƯỜNG

Ở cấp cơ sở, địa phương, ông Phan Văn Minh, Trưởng Phòng GD-ÐT huyện Châu Thành cho hay, thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh, ngành GD-ÐT Châu Thành đang tích cực triển khai, rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trường học theo tinh thần khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, đối với bậc học mầm non, huyện sẽ giải thể ba điểm lẻ do số lượng học sinh quá ít. Cụ thể, giải thể điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Suối Dộp thuộc Trường mầm non Thái Bình, xã Thái Bình. Số trẻ ở điểm lẻ này được chuyển đến học tại điểm chính của Trường mầm non Thái Bình nằm trên địa bàn ấp Bình Hoà hoặc Trường mẫu giáo Hảo Ðước, xã Hảo Ðước hoặc Trường mầm non Trưng Vương (Thị trấn), tuỳ vào nơi ở của gia đình học sinh.

Ðịa phương này cũng quyết định giải thể điểm lẻ Gò Nổi 2 của Trường mẫu giáo Ninh Ðiền nằm trên địa bàn ấp Gò Nổi, vì điểm lẻ chỉ cách điểm chính chưa đến một cây số. Mặt khác, điểm chính của Trường mẫu giáo Ninh Ðiền có số phòng học đủ cho tất cả học sinh theo học. Về phương án xử lý cơ sở vật chất một số điểm lẻ không còn học sinh theo học, UBND huyện sẽ thu hồi trụ sở cũ của hai điểm trường là ấp Suối Dộp (xã Thái Bình) và ấp Cầy Xiêng (xã Ðồng Khởi), đồng thời thanh lý tài sản trên đất của các điểm trường vừa giải thể.

Riêng cơ sở, phòng ốc của điểm lẻ Gò Nổi 2 sẽ bàn giao cho Trường tiểu học Gò Nổi quản lý. Cũng liên quan đến bậc học mầm non, sắp tới, khi có quyết định chính thức từ cấp có thẩm quyền, Phòng GD-ÐT sẽ tuyển dụng thêm 22 giáo viên cho bậc học này, đây là số biên chế dự phòng chưa sử dụng.

Ở cấp tiểu học, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Phòng GD-ÐT cho sáp nhập 3 trường tiểu học ở ba xã. Ðó là, sáp nhập Trường tiểu học Biên Giới B vào Trường tiểu học Biên giới A, thuộc xã Biên Giới với tên gọi mới là Trường tiểu học Biên Giới; Trường tiểu học Phạm Văn Nô sáp nhập vào Trường tiểu học Hoà Thạnh và đổi tên thành Trường tiểu học Phạm Văn Nô thuộc xã Hoà Thạnh; sáp nhập Trường tiểu học Bến Trường với Trường tiểu học Bình Lợi với tên gọi mới là Trường tiểu học Hảo Ðước A. Phòng GD-ÐT cũng quyết định giải thể hai điểm lẻ ở cấp tiểu học do số lượng học sinh quá ít, bao gồm: điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Thành Tân thuộc Trường tiểu học Thành Bắc.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá, các trường trên địa bàn huyện Châu Thành đã vận động tổ chức, cá nhân có điều kiện ủng hộ ngành Giáo dục mua xe đạp, phát học bổng, sách giáo khoa cho học sinh nghèo hiếu học với tổng số tiền khoảng 360 triệu đồng.

Toàn bộ số học sinh của điểm lẻ này (23 em) sẽ được chuyển đến học tại điểm chính của Trường tiểu học Thành Bắc thuộc xã Thành Long. Ở xã Hảo Ðước, giải thể điểm lẻ nằm trên địa bàn ấp Xóm Trường với 22 học sinh, số em này được chuyển đến học tại điểm trường ở ấp Bến Trường, cách nơi học cũ chưa đến 1,5km. Phòng GD-ÐT cũng đã có phương án cụ thể để xử lý tài sản, con người sau khi sáp nhập các điểm trường tiểu học vừa nêu.

Học sinh Trường mầm non Ngôi Sao Xanh- một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở TP. Tây Ninh.

Ở cấp trung học cơ sở, lãnh đạo Phòng GD-ÐT cho biết, cơ bản ổn định, không có nhiều xáo trộn, toàn huyện có 15 trường được giữ nguyên, không tăng, không giảm.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng GD-ÐT đã tham mưu để lắp đặt trạm biến áp điện cho các trường học trên địa bàn xã An Cơ. Triển khai đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, một số trường mẫu giáo đã được xây mới ở các xã Thành Long, Ninh Ðiền, Ðồng Khởi, Long Vĩnh, Hoà Thạnh. Sắp tới, một số trường mẫu giáo khác cũng sẽ được xây mới ở xã Trí Bình, Hảo Ðước, An Cơ và Phước Vinh.

Trong hè vừa qua, Phòng GD-ÐT đã cho xây mới 6 nhà vệ sinh trong tổng số 14 nhà vệ sinh dành cho giáo viên cần xây mới. Huyện cũng đã cấp ngân sách cho các trường để sửa chữa  một số hạng mục đã xuống cấp như hàng rào, biển trên trường, nhà để xe, mái che, sân lễ, hệ thống điện nước, thiết bị vi tính.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh