Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ai cũng biết, ngành Giáo dục còn nhiều hạn chế, do đó, mọi ý kiến đóng góp, thậm chí phê bình để sửa chữa những hạn chế, tồn tại là đáng hoan nghênh. Nhưng, ý kiến đóng góp, phê phán cần trên cơ sở sự thật, với tinh thần xây dựng chứ không phải chỉ nói nhằm thoả mãn ý đồ cá nhân hoặc câu... bình luận.
Trong giờ học ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.
Ngày 29.12.2020, trên trang cá nhân của một người từng là phóng viên của một tờ báo lớn và hiện nay là một nhà biên kịch có tiếng đưa tin về việc ngành Giáo dục đề xuất giáo viên trung học phổ thông phải có trình độ thạc sĩ. Cùng với thông tin nêu trên, người này chụp lại bức ảnh của Báo Thanh Niên (đưa tin về nội dung nêu trên).
Thông tin do nhà biên kịch nêu lên thu hút hàng ngàn lượt like (thích) và bình luận. Như thường thấy, phần lớn những ý kiến bình luận chỉ hùa theo ý định của nhà biên kịch, đó là chửi rủa, mạt sát ngành Giáo dục không tiếc lời.
Sau khi cựu phóng viên, nhà biên kịch đưa thông tin trên, một giảng viên đại học tiếp tục cập nhật thông tin này lên trang cá nhân của mình, kèm theo những lời bình luận nặng nề, có tính miệt thị ngành Giáo dục.
Không chỉ hai trường hợp nêu trên, thông tin giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ lập tức lan nhanh trên mạng như một đám cháy. Chưa dừng lại, sau thông tin trên mạng xã hội, một vài tờ báo chính thống cũng lập tức đăng tin nhưng theo một cách lập lờ.
Một tờ báo viết “tại một cuộc hội thảo....” nhưng thông tin trong bài lại không nêu hội thảo nào, tổ chức khi nào. Tiếp theo, cũng chính tờ báo này phỏng vấn Giáo sư Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Trả lời phóng viên, vị giáo sư cho rằng có nhiều cách để đánh giá năng lực giáo viên THPT, bằng cấp chỉ là một phần. Trong bài báo, phóng viên của tờ báo này đặt một số câu hỏi theo kiểu “bẫy, nhử mồi” để người trả lời phỏng vấn nói theo ý đồ của mình.
Vậy, thực hư câu chuyện nêu trên như thế nào, bắt nguồn từ đâu, và có đúng là giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ?
Câu chuyện được bắt đầu từ một cuộc hội thảo được tổ chức năm 2018. Tại cuộc hội thảo này, một nữ tiến sĩ đề xuất, giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ. Bài viết này xin không đề cập đến việc giáo viên phổ thông có nhất thiết phải có bằng thạc sĩ hay không.
Ðiều muốn nói là, nhiều người (được coi là có trình độ, có ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội) không rõ vô tình hay cố ý đã xới lại một câu chuyện cũ để qua đó xuyên tạc, bóp méo thông tin, mạt sát ngành Giáo dục.
Chúng ta biết rằng, tại thời điểm năm 2018, thời điểm tổ chức cuộc hội thảo mà Báo Thanh Niên đưa tin, Luật Giáo dục sửa đổi (Luật Giáo dục năm 2019) chưa được Quốc hội thông qua, tức chưa có hiệu lực.
Khi Luật Giáo dục năm 2019 được thông qua, không hề quy định giáo viên cấp THPT phải có bằng thạc sĩ. Ðiều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định bằng cấp của giảng viên, giáo viên như sau:
“Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Ðiều này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Ðiều này”.
Phải trích dẫn nguyên văn như trên để chứng minh rằng, Luật Giáo dục 2019 không hề có quy định nào bắt buộc giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ.
Vậy, tại sao ở thời điểm năm 2020, 2021, những người được nhìn nhận là có trình độ, có hiểu biết, thậm chí đang là giảng viên đại học lại xới lại câu chuyện từ một cuộc hội thảo tổ chức năm 2018 để chửi bới ngành Giáo dục không tiếc lời? Xét theo logic của câu chuyện, việc đưa lại thông tin từ một cuộc hội thảo năm 2018 vào thời điểm này (cuối năm 2020, đầu năm 2021) là một hành động có tính chất cố ý để công kích ngành Giáo dục theo cách không mấy đàng hoàng, thiếu sòng phẳng và quan trọng là, không đúng sự thật. Việc đưa thông tin như nêu ở phần trên chỉ nhằm thoả mãn ý đồ cá nhân của một số người.
Ai cũng biết, ngành Giáo dục còn nhiều hạn chế, do đó, mọi ý kiến đóng góp, thậm chí phê bình để sửa chữa những hạn chế, tồn tại là đáng hoan nghênh.
Nhưng, ý kiến đóng góp, phê phán cần trên cơ sở sự thật, với tinh thần xây dựng chứ không phải chỉ nói nhằm thoả mãn ý đồ cá nhân hoặc câu... bình luận. Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam có phát biểu, đại ý, sự quan tâm của xã hội đối với ngành Giáo dục cũng không ngoài mục đích mong muốn ngành tốt hơn, song mọi ý kiến phải có cơ sở, đúng sự thật, vì giáo dục phát triển, đất nước mới có tương lai.
Sự ra đời của mạng xã hội là một thành tựu vĩ đại của loài người. Nhưng mạng xã hội không phải không có hạn chế. Không phải tự dưng gần đây xuất hiện một khái niệm mới là “truyền thông đen”. Dấu hiệu dễ nhận biết của những ngòi bút phục vụ cho “truyền thông đen” là họ luôn nhân danh những điều tốt đẹp nhất để viết sai sự thật hoặc bóp méo thông tin.
Việt Ðông