Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Ngành giao thông nhiệm kỳ vừa rồi dù dành nhiều tiền để trả nợ, hiện vẫn còn nợ đọng trên 20 ngàn tỉ đồng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết như vậy.
Các dự án dùng vốn đầu tư công như dự án đường sắt đô thị Hà Nội (ảnh) vay ODA sau 13 năm đầu tư từ nhiệm kỳ Chính phủ này sang nhiệm kỳ Chính phủ khác hiện vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: Báo Giao thông
Khi Quốc hội thảo luận tại hội trường hôm 3-6 về việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, công luận mới biết, số tiền phân bổ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa qua chỉ nhằm giải quyết tồn tại của những dự án trước đây.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong 4 năm (2016-2020) có 9.600 dự án đang triển khai thì có 8.000 dự án đầu tư chuyển tiếp và chỉ có 400 dự án khởi công mới. “Còn lại là trả nợ và thanh toán”, ông Dũng nhấn mạnh. Và cho một ví dụ là riêng ngành giao thông nhiệm kỳ này chủ yếu dành nhiều tiền để trả nợ nhưng hiện vẫn còn tồn đọng nợ trên 20 ngàn tỉ đồng.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, do nhu cầu đầu tư rất lớn từ kinh tế đến quốc phòng, an ninh... nên số vốn phân bổ cho 5 năm đã hết, chỉ còn phần dự phòng. Số phân bổ hết chỉ nhằm giải quyết những tồn tại của các dự án chuyển từ 5 năm trước qua. Hiện nay, vốn 5 năm còn lại số tiền 155 ngàn tỉ đồng là tiền dự phòng và Quốc hội chưa quyết chi vào đâu.
Ông Dũng trần tình là tiền đầu tư công chủ yếu dùng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn thành các dự án chuyển tiếp. Hay nói khác đi là nhiệm kỳ này “thắt lưng buộc bụng để tập trung trả nợ cho các dự án chuyển tiếp mà hạn chế tối đa khởi công dự án mới”. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi hầu như nhiệm kỳ Chính phủ này không có công trình nào khởi công mới.
Lý do được ông Dũng nói trước Quốc hội là nhiệm kỳ trước đã quyết định đầu tư mà không dựa vào đâu hết, không biết nguồn lực ở đâu, dẫn tới dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí. Trong khi Luật đầu tư công hiện hành đã yêu cầu xác định khả năng cân đối ngân sách mới quyết định chủ trương đầu tư. Cân đối ngân sách nghĩa là cân đối vốn nhưng thực tế lại không làm rõ việc quyết định nguồn vốn trước hay quyết dự án trước.
Lần đầu tiên kể từ khi Quốc hội thông qua kế hoạch chi tiêu theo ngân sách 5 năm, thực hiện theo đầu tư công trung hạn, đại biểu Quốc hội mới biết được kế hoạch đầu tư công trung hạn thực chất đã thực hiện ra sao. Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng): “Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện được 3,5 năm, thời gian còn lại chỉ là 1,5 năm nhưng đến bây giờ Quốc hội mới thảo luận và cho ý kiến phân bổ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nói trên là muộn”.
Thực tế giải ngân vốn đầu tư công trung hạn vừa bất cập, vừa thiếu như vậy nhưng chưa dừng ở đó. Hàng năm, theo Bộ trưởng Dũng, tốc độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 80%, các dự án công trình quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam hơn một năm mới triển khai nhưng vẫn có 80 ngàn tỉ đồng không giải ngân hết. Mặt khác, 155 ngàn tỉ đồng tiền dự phòng Chính phủ đề nghị Quốc hội cho tiêu là số tiền đang thiếu so với kế hoạch giải ngân các dự án đã được phê duyệt.
Do đó, Bộ trưởng Dũng xin Quốc hội cho “nợ” lại câu hỏi về việc với tốc độ giải ngân, mức độ vốn và việc phê duyệt dự án trước đây thì phải đến cuối năm nay mới bóc tách được dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được trong 5 năm qua. Và từ đó mới xác định 80 ngàn tỉ đồng không giải ngân hết sẽ giải quyết như thế nào.
Báo cáo trước đó của Quốc hội đầu kỳ họp cho biết, quyết toán ngân sách trung ương năm 2017 vẫn chưa có thặng dư để trả nợ nhưng ứng trước dự toán hết 2017 là 86.339 tỉ đồng khiến cho việc thu xếp nguồn trả nợ các năm sau mỗi ngày một khó.
Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát vay nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách.
Nguồn thesaigontimes.vn