Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngành mì cần đa dạng hoá sản phẩm
Thứ sáu: 05:18 ngày 24/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài tinh bột mì, các doanh nghiệp phải chế biến thêm các sản phẩm khác như bột biến tính (biến tính hoá, biến tính lý)... để đáp ứng nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines...

Đóng gói sản phẩm bột mì tại nhà máy sản xuất tinh bột mì của Chi nhánh Công ty TNHH TMXNK TM CN DV Hùng Duy 8 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành.

Tây Ninh có diện tích trồng mì rất lớn, đứng thứ hai trong nước, sau Gia Lai. Phần lớn được trồng tập trung tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu với sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra ở hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tinh bột mì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hiện đang điêu đứng vì xuất khẩu gặp khó khăn.

Trong 9 tháng năm 2017, xuất khẩu sản phẩm từ cây mì chỉ đạt 39,3%. Để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các doanh nghiệp chế biến mì trên địa bàn tỉnh luôn cố gắng tìm kiếm các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, các quốc gia này đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm tinh bột mì của tỉnh “lọt vào” với số lượng rất ít.

Một chủ doanh nghiệp chế biến tinh bột mì tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu chia sẻ, phần lớn máy móc thiết bị đang sử dụng ở Tây Ninh hiện chưa thể sản xuất ra tinh bột mì có chất lượng cao để đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường Đông Á, Tây Âu, Mỹ... Buộc lòng các doanh nghiệp phải xuất sang Trung Quốc vì thị trường này không đưa ra những tiêu chuẩn cao về chất lượng tinh bột.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường quốc gia láng giềng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về giá cả và đầu ra sản phẩm. Có thời điểm giá củ mì tươi xuống thấp, chỉ còn khoảng 1.400 - 1.600 đồng/kg do Trung Quốc ngừng nhập tinh bột mì, hàng tồn kho nhiều, kéo theo giá mì rớt xuống thê thảm.

Theo lời bà Nguyễn Thị Khuê- Giám đốc Công ty TNHH MTV Định Khuê, xã Suối Dây, huyện Tân Châu phát biểu tại một buổi sinh hoạt “Cà phê doanh nhân”, chi phí chế biến tinh bột mì rất cao, nếu Trung Quốc ngưng thu mua hoặc ép giá xuống thấp, sản phẩm tồn kho với số lượng lớn, không xuất khẩu được, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn.

Anh T.H.T, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết: “Vụ nào gia đình tôi cũng thuê 5 ha đất trồng mì, do thời gian gần đây, giá mì xuống thấp, dao động khoảng 1.400- 2.000 đồng/kg, người trồng mì bị thua lỗ nặng nề. Khi giá mì xuống thấp, thương lái ngưng mua, người trồng mì như ngồi trên đống lửa. Vì nhà máy ngưng hoạt động trong khi mì đến giai đoạn thu hoạch, buộc phải bán cho thương lái với giá rất thấp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện có hơn 80% sản phẩm tinh bột mì của Tây Ninh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này tiềm ẩn rủi ro rất lớn về giá cả và đầu ra, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua, diện tích cây mì trong tỉnh đều giảm. Năm 2016 đạt 60.000 ha; năm 2017, giảm xuống còn 50.000 ha. Tình hình sản xuất, chế biến mì trên địa bàn tỉnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn và diện tích trồng mì sang năm 2018 sẽ giảm mạnh, ước còn 45.000 ha, dự kiến sản lượng còn dưới 1 triệu tấn tinh bột mì/năm.

Theo ông Trong, muốn tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp phải đa dạng hoá sản phẩm. Ngoài tinh bột mì, các doanh nghiệp phải chế biến thêm các sản phẩm khác như bột biến tính (biến tính hoá, biến tính lý)... để đáp ứng nhiều thị trường lớn như châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines... Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, điều chỉnh và cơ cấu lại ngành chế biến, giảm quy mô xuống, không sản xuất với số lượng lớn như trước đây, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giảm được rủi ro và tăng giá trị gia tăng.

Hiện một số doanh nghiệp Tây Ninh có kế hoạch trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất tinh bột mì chất lượng cao và từng bước đa dạng hoá sản phẩm, từ đó có thể xuất khẩu sang các thị trường khắt khe ở châu Âu, Mỹ... để không còn phải phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục