Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20.2.2017 của UBND tỉnh, nền nông nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển mình theo hướng tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc (bìa phải) tặng hoa chúc mừng nhân dịp khởi công dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại Tân Châu.
“Những năm qua là những năm hết sức khó khăn của nền kinh tế cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng. Ngành Nông nghiệp cũng không ngoại lệ khi phải ứng phó với dịch bệnh, những biến động trên thị trường thế giới ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước...
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp vẫn giữ vững sự ổn định, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.
Trong 3 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ngành nông - lâm - thuỷ sản giai đoạn giữa nhiệm kỳ đạt 2,75%/năm- đạt yêu cầu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra; riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 3%”- ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Chuyển dịch đúng định hướng
Ngày 20.2.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nền nông nghiệp của tỉnh đã từng bước chuyển mình theo hướng tích cực.
Tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khảm lá trên cây mì, dịch tả heo châu Phi và đại dịch Covid-19, nhưng một số chỉ tiêu cơ cấu lại nông nghiệp có bước tăng trưởng khá so với năm 2017- năm trước khi triển khai thực hiện đề án.
Điển hình như: tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản giai đoạn 2017-2022 duy trì bình quân 1,5%/năm; đến cuối năm 2023, GRDP ngành nông, lâm, thuỷ sản đạt 21.725 tỷ đồng (giá hiện hành), tốc độ tăng trưởng đạt 3%, chiếm 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 37,8% (tăng 17,3%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 31% (tăng 18,5%); tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 20,8% (tăng 18,2%); tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 13,3% (tăng 2,95%)...
Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh với EuroCham và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), về trồng trọt, tỉnh đã chuyển đổi gần 41.000 ha cây trồng sản xuất kém hiệu quả (cao su, mía) sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (cây ăn trái, rau củ thực phẩm), gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha trồng trọt từ 94 triệu đồng/năm (năm 2017) lên 109 triệu đồng/năm (năm 2023).
Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô đàn trên 10 triệu con gia súc, gia cầm, tăng 8,1% so năm 2017; tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học với 587 trại chăn nuôi gia súc và 109 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2017. Nổi bật trong thời gian qua là việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chăn nuôi với việc cấp mới 67 dự án với vốn đăng ký 5.327 tỷ đồng; hiện tỉnh có 146 dự án chăn nuôi đang hoạt động, vốn đăng ký 10.470 tỷ đồng góp phần tăng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị nông nghiệp từ 15,2% (năm 2017) lên 20,5% (năm 2023).
Về lâm nghiệp, công tác trồng mới rừng được thực hiện hằng năm góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 16,3%. Về thuỷ sản, tiếp tục duy trì diện tích vùng nuôi 570 ha và sản lượng đạt 13.000 tấn, trong đó, giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng nuôi trồng tập trung gắn với cơ sở chế biến- với trọng tâm hiện nay là triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hạ tầng thuỷ lợi, nước sạch nông thôn thường xuyên được duy tu, sửa chữa bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, cấp nước công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân; các dự án thuỷ lợi được triển khai kịp thời, đặc biệt dự án trọng điểm Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông cơ bản thi công hoàn thành giai đoạn 1, phục vụ sản xuất cho 16.950 ha đất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh. Đã tiếp nhận thêm 1 hệ thống cấp nước đô thị Mộc Bài, công suất thiết kế 7.000m3/ngày.đêm/3.000 hộ dân, nâng tổng số tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế đạt 68%, tăng 8,2% so với năm 2017.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, qua 5 năm thực hiện, Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh đã đi vào cuộc sống, quan điểm, mục tiêu và định hướng được quán triệt thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Nhìn chung, sản xuất và phát triển nông nghiệp thời gian qua đã chuyển dịch đúng định hướng, đạt được nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh những mặt đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: cơ cấu lại nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng ngành giai đoạn 2017-2022 vẫn chưa cao (1,5%/năm); việc tiếp cận các chính sách nông nghiệp còn khó khăn do các yêu cầu về điều kiện hỗ trợ và quy trình thủ tục phức tạp dẫn tới chưa thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư chế biến sâu...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng các đại biểu tham quan gian hàng yến sào tại hội nghị Yến sào Tây Ninh - Hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững.
“Ngành Nông nghiệp sẽ rà soát các chỉ tiêu sản xuất phù hợp với thực tế và tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm góp phần định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sở phối hợp với các ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách, thường xuyên báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc để các chính sách sớm tiếp cận người dân và đi vào thực tiễn cuộc sống mang lại hiệu quả như định hướng.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty BaF, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk để hình thành các chuỗi chăn nuôi gà, heo, bò sữa hướng đến xuất khẩu”- ông Xuân chia sẻ.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (Nghị quyết), các chỉ tiêu phát triển của ngành Nông nghiệp được đề ra trong Nghị quyết thực hiện cơ bản đạt tiến độ theo lộ trình định hướng.
Cụ thể: tổng giá trị GRDP ngành nông - lâm - thuỷ sản (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 20.869 tỷ đồng, năm 2023 đạt 21.725 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn giữa nhiệm kỳ đạt 2,75%/năm.
Cơ cấu của ngành trong GRDP của tỉnh cũng chuyển dịch giảm theo định hướng, năm 2022, cơ cấu ngành chiếm 20,4% và năm 2023 chiếm 19,8% trong cơ cấu GRDP của toàn tỉnh (Nghị quyết đến năm 2025 từ 14%-15%).
Trồng nấm tại một hợp tác xã ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu được trên 1 ha đất trồng trọt hiện đạt 109 triệu đồng/năm (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng/năm).
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (Nghị quyết đến năm 2025 là 16,4%).
Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 91,5% (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 100%).
Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 68% (Nghị quyết đến năm 2025 đạt 72%).
Kế thừa những kết quả đạt được giai đoạn 2020-2023, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và phát triển ngành nói riêng, những năm cuối thực hiện Nghị quyết XI Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, sản lượng các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đều ước tăng so với đầu kỳ, ngoại trừ giảm sản lượng lúa (giảm gần 32.000 tấn) do chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cụ thể: mì đạt 2,05 triệu tấn (tăng 152.000 tấn), mía đạt 544.000 tấn (tăng 18.000 tấn), cao su 189.200 tấn (tăng 9.650 tấn), cây ăn trái 362.560 tấn (tăng 80.930 tấn), rau thực phẩm 394.800 tấn (tăng 13.124 tấn).
Bên cạnh đó, sản lượng thịt gia súc, gia cầm tiếp tục gia tăng mạnh, cụ thể: sản lượng thịt gia cầm đạt 58.000 tấn tăng (19.550 tấn); sản lượng thịt heo đạt 51.000 tấn (tăng 10.000 tấn); thịt bò đạt 6.800 tấn; trứng 780 triệu quả (tăng 222 triệu quả). Như vậy, với các kết quả ước sản xuất như trên, dự báo đến cuối năm 2025, tăng trưởng của ngành giai đoạn 2021-2025 đạt từ 2,5% trở lên.
Dự báo các chỉ tiêu của ngành được giao trong Nghị quyết cơ bản sẽ hoàn thành như: giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt (chỉ tiêu Nghị quyết 115 triệu đồng/năm); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (chỉ tiêu Nghị quyết 100%); tỷ lệ che phủ rừng (chỉ tiêu Nghị quyết 16,4%); tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia (chỉ tiêu Nghị quyết 72%).
6166: Thu hoạch sầu riêng ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ, mong muốn của ngành Nông nghiệp là không chỉ đạt các chỉ tiêu đề ra mà còn đạt với chất lượng tốt, ổn định, bền vững. Riêng đối với tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có chỉ tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, khả năng khó đạt theo chỉ tiêu hoặc đạt ở mức không cao; một phần do tiêu chí về các xã này đã được nâng lên trong khi nguồn lực địa phương không nâng lên theo kịp.
“Để đạt được các chỉ tiêu là một việc khó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Với nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng các kế hoạch hành động, đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh, mương thuỷ lợi để giúp nông dân có điều kiện tăng năng suất cây trồng, đồng thời kêu gọi đầu tư, thành lập chuỗi cung cấp sản phẩm; số hoá trong nông nghiệp; áp dụng những tiêu chuẩn để có được những vùng trồng phục vụ cho thị trường trong nước, xuất khẩu cũng như đẩy mạnh vấn đề liên kết. Tôi tin rằng với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ có sự phát triển tốt trong thời gian tới”- Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.
Trúc Ly