BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành Nông nghiệp tổng kết hoạt động năm 2019 

Cập nhật ngày: 24/12/2019 - 08:40

BTNO - Chiều 23.12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác hoạt động năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Trần Văn Chiến- Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Năm 2019 ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, cà phê, hạt điều).

Ở lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tuy vậy, ngành Nông nghiệp vẫn còn những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo…; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm...; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp; khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn, nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả...

Trồng mãng cầu sạch tại HTX mãng cầu Thạnh Tân- Ảnh minh hoạ

Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy toàn ngành đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,8-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản khoảng 2,9-3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trên 42 tỷ USD; thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp, cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ngành Nông nghiệp nước ta đạt được trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đồng thời nhấn mạnh: Năm 2020, ngành cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó coi trọng công nghiệp chế biến hàng hóa, mở rộng thị trường, nhất là thị trường EU; nâng cao hơn nữa chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; sử dụng hiệu quả đất trồng lúa, trồng cây ăn quả, thủy sản; tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu; quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng thủy sản; triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng trồng có hiệu quả hơn.

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, các bộ, ngành phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai có hiệu quả chương trình theo kế hoạch đề ra; tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm; quản lý chặt chất lượng, giá cả đầu vào cho nông nghiệp; nâng cao nguồn nhân lực của ngành NN&PTNT; đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp…

Vũ Nguyệt