Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ hai: 08:34 ngày 11/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong điều kiện bình thường, sản xuất nông nghiệp vốn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, khí hậu nên biến đổi khí hậu sẽ khiến cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong điều kiện bình thường, sản xuất nông nghiệp vốn bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, khí hậu nên biến đổi khí hậu sẽ khiến cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Sự gia tăng về nhiệt độ, cùng những thay đổi về lượng mưa và phân bố lượng mưa sẽ tác động lên cây trồng, vật nuôi và các hệ thống sinh vật tự nhiên.

Tăng cường đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, đẩy mạnh phòng, chống thiên tai

Ngày 19.5.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1138/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để nông nghiệp phát triển cân bằng, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch trên.

Dưa lưới được trồng bằng phương pháp thuỷ canh trong nhà màng tại Hoàng Xuân Farm, thị xã Trảng Bàng.

Theo đó, ngành Nông nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi để đáp ứng nhu cầu tưới nước, đồng thời tiêu úng cho những khu vực bị ngập, cụ thể: thực hiện 13 dự án thuỷ lợi với tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 780 tỷ đồng), gồm 2 dự án kênh tưới; 9 dự án kênh tiêu, 2 trạm bơm, để chủ động cấp nước tưới, tiêu cho trên 31.000 ha (trong đó, diện tích tưới khoảng 17.350 ha; tiêu nước 14.980 ha).

Hiện ngành Nông nghiệp đang triển khai dự án Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để tích hợp dự báo mực nước tại hồ chứa, dự báo lũ, ngập lụt, chủ động phòng chống thiên tai gắn với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; lắp đặt 11 trạm đo mưa chuyên dùng do Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai tài trợ; xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt vùng có nguy cơ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành đề xuất dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh, vốn vay Ngân hàng Thế giới; dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á.

Người dân thu hoạch dưa lưới.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, tránh thiên tai; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV), để góp phần bảo vệ môi trường, đơn vị đã trang bị khoảng 55 bể chứa gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại một số vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh; thu gom, tiêu huỷ trên 2.700 kg bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Mặt khác, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hoá; kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường, kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, cụ thể: năm 2023 chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa gần 1.500 ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khoảng 840 ha, cây lâu năm 620 ha, cây trồng khác 144 ha.

Đến nay, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tính đến hết năm 2023, diện tích cây trồng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khoảng 120.000 ha.

Giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực

Theo Sở NN&PTNT, biến đổi khí hậu đang là vấn đề được toàn thế giới quan tâm, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1138 của UBND tỉnh là căn cứ quan trọng để ngành kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

Đại diện Cục Trồng trọt hướng dẫn nông dân, cán bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm FarMoRe để cập nhật thông tin về kỹ thuật canh tác lúa nhằm tính toán lượng phát thải khí nhà kính.

Sở NN&PTNT đánh giá, bên cạnh một số thuận lợi, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa phát triển đồng bộ; các biện pháp canh tác hiện đại chưa được thực hiện đầy đủ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp.

Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Đây được coi là một thách thức lớn đối với ngành Nông nghiệp. Vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện và bền vững. Ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; lâm nghiệp; thuỷ lợi; thuỷ sản và phát triển nông thôn...

Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành sẽ tập trung xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chuyển đổi một phần diện tích cây trồng ở các vùng trồng lúa sang các cây trồng khác có khả năng chống hạn cao hơn hoặc nhu cầu cần nước ít hơn; tăng cường sử dụng các giống chống hạn, chịu sâu bệnh; xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt; tăng cường áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt và chăn nuôi, nhằm giảm thiểu sự phát thải các khí nhà kính.

Về bảo đảm an ninh nguồn nước, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý nguồn nước và các biện pháp tưới phục vụ cho nông nghiệp; chú trọng việc bảo đảm nguồn nước cho cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu bằng các biện pháp như: quản lý chặt chẽ và tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hoá và kiên cố hoá kênh mương; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi để đáp ứng nhu cầu tưới nước, tiêu úng cho những khu vực bị ngập.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ứng dụng các giống cây rừng mới, tăng cường trồng cây phân tán, đa dạng hoá loại cây rừng, bảo vệ và nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng nhằm giảm nguy cơ suy thoái và mất rừng để tăng khả năng hấp thụ các-bon, thực hiện tốt chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm phát khí thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác nông lâm nghiệp bền vững... 

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động ứng phó, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai như: rà soát, đánh giá mức độ an toàn hệ thống công trình thuỷ lợi tưới và tiêu, quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư; tiếp tục thực hiện đề án quản lý rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng phương án di dời và tái định cư cho dân cư vùng thường xuyên bị tác động bởi thiên tai.

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục