Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả tích cực
Thứ năm: 15:36 ngày 12/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.

Thu hoạch rau sạch. Ảnh: Huỳnh Đông

Trong 9 tháng đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến động của giá cả thị trường, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh ước đạt 193.920 ha, bằng 78,7% so kế hoạch năm. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, từng bước phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản, chuyển đổi giống đối với các vùng trồng không đáp ứng thị trường. Từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi 73,5 ha (giảm 495 ha so với cùng kỳ).

Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, không phát sinh các ổ dịch bệnh nguy hiểm, trong những tháng đầu năm vẫn gặp một số khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao và biến động thị trường, giá thịt hơi xuất chuồng xuống thấp. Tuy nhiên, cuối tháng 5.2023, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá thịt heo hơi và các sản phẩm chăn nuôi khác tương đối cao đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục, tái đàn sản xuất. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đàn bò tiếp tục phát triển ổn định với 101.000 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 5.610 tấn; chăn nuôi heo với tổng đàn khoảng 282.774 con, tăng 34,7% so cùng kỳ, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 38.750 tấn; ước tính có 9.600 con trâu, sản lượng đạt 490 tấn và khoảng 9,4 triệu con gia cầm, sản lượng đạt 43.160 tấn.

Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học với 580 trang trại chăn nuôi gia súc và 111 trang trại chăn nuôi gia cầm. Trong 9 tháng năm 2023, có 7 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố triển khai tiêm phòng được 893.750 liều vaccine các loại và cấp phát 2.500 lít thuốc sát khuẩn cho các hộ chăn nuôi, thực hiện phun xịt được 5.000.000 mét vuông khu vực chăn nuôi đồng loạt trên địa bàn tỉnh.

Thuỷ sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, diện tích thả nuôi mới thuỷ sản ước đạt 426,73 ha, bằng 85,6% so cùng kỳ; diện tích thả nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng; sản lượng con giống đạt 39,2 triệu con; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 10.874,9 tấn, bằng 87,02% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thuỷ sản 1.512,99 tấn, bằng 97,73% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 9,2 ha. Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các lực lượng có liên quan trên địa bàn phát hiện 101 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã xử lý 75 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 115 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện 13 vụ (6 vụ lấn, chiếm đất lâm nghiệp, 7 vụ lấn, chiếm rừng) và lập biên bản 7 trường hợp bao lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích (tăng 2 vụ so với cùng kỳ).

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đầu năm đến nay, tỉnh công nhận 6 xã NTM, 9 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn NTM, 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thị xã Hoà Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ NN&PTNT thẩm định.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai các nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, duy trì các hoạt động hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao và nhân rộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và lãnh đạo cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp tập trung thảo luận, chăn nuôi tập trung công nghệ cao gắn với liên kết các chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương; công tác xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; tình hình cấp nước sạch ở khu vực nông thôn, dự án đê bao An Thạnh, Long Chữ (Bến Cầu), bổ sung tuyến kênh đi qua rừng Nhum để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy…

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2023, trong 3 tháng cuối năm, ngành Nông nghiệp tập trung theo dõi tình hình sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý rừng, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mật độ chăn nuôi; hỗ trợ các nhà đầu tư hình thành chuỗi chăn nuôi; đẩy nhanh công tác giải ngân đầu tư công và tổ chức thẩm tra, đánh giá các sản phẩm OCOP và trình hồ sơ NTM cho bộ NN&PTNT phê duyệt. Ngoài ra, Sở còn thực hiện tốt việc thanh tra, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục