Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng chỉ tiêu ngành đào tạo giáo viên của cả nước năm 2018 là 35.000, giảm 17.000 so với năm trước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 13/4 cho biết, sau khi rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, tổng hợp nhu cầu của từng địa phương và năng lực từng trường, Bộ quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm 2018 còn 35.000. So với năm 2017 cả nước tuyển 52.000 chỉ tiêu, số lượng năm nay ít hơn 17.000.
4/6 đại học sư phạm trọng điểm quốc gia hạ chỉ tiêu so với năm 2017. Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 chỉ tiêu, giảm 21% so với năm trước; Đại học Sư phạm (Đại học Huế) giảm 37,5% ngành đào tạo giáo viên hệ đại học; Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) giảm 31,4%; Đại học Sư phạm TP HCM giảm 7,6%.
Sư phạm Hà Nội 2 và Sư phạm Đà Nẵng giữ nguyên mức tuyển so với năm trước, lần lượt là 1.220 và 434 chỉ tiêu.
Năm 2018, lượng thí sinh vào ngành sư phạm sẽ giảm do tổng chỉ tiêu giảm. Ảnh: Quỳnh Trang
Việc giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm diễn ra ở các đại học vùng miền. Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) năm 2018 chỉ tuyển 88 chỉ tiêu đào tạo giáo viên hệ đại học, giảm 73% so với năm trước. Hệ cao đẳng của trường cũng giảm từ 630 xuống còn 410 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học của Đại học Quảng Nam chỉ còn 120, giảm 58% so với năm trước. Đại học Cần Thơ giảm 46,3% chỉ tiêu; Đại học Thủ Đô (Hà Nội) giảm 19,5% hệ đại học đào tạo giáo viên.
Cao đẳng sư phạm bị hạ chỉ tiêu mạnh nhất, thậm chí cắt ngành đào tạo. Sư phạm Hà Giang năm 2018 chỉ tuyển 80 chỉ tiêu, giảm hơn 73% so với năm trước. Năm nay, trường ngừng tuyển 2/4 ngành là Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Hóa học.
Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh giảm 66% chỉ tiêu; Cao đẳng Sư phạm Thái Bình giảm 45%.
Theo Bộ Giáo dục, cả nước có khoảng 100 cơ sở được phép đào tạo giáo viên các cấp. Theo quy hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Trong khi toàn quốc hiện thừa hơn 12.000 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT.
Thiếu nhiều nhất hiện nay là bậc mầm non với hơn 34.000 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 5.300.
Mùa tuyển sinh năm 2017, ngành Sư phạm gây lo lắng cho xã hội khi điểm đầu vào của nhiều đại học, cao đẳng thấp. Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 6/14 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn là 15,5, bằng mức sàn. Đại học Sư phạm Huế 10/15 mã ngành lấy bằng điểm sàn quy đổi. Đặc biệt khối cao đẳng sư phạm, có trường chấp nhận thí sinh được 3 điểm mỗi môn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục (tháng 8/2017) đã gấp rút yêu cầu giải quyết chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ sau đó khẳng định, năm 2018 Bộ sẽ giao chỉ tiêu cho các trường, theo đơn đặt hàng của địa phương và trên đà tiếp tục giảm (năm 2017 mức giảm là 20% so với năm trước). Từ năm 2018, Bộ bỏ điểm sàn đại học, trừ nhóm ngành sư phạm.
Nguồn vnexpress.net