Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngành Toà án - thiếu nhân lực và cơ sở vật chất
Thứ sáu: 00:06 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ sở vật chất của hầu hết TAND cấp huyện xây dựng từ lâu, chật hẹp, xuống cấp, không bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức của ngành. Những khó khăn, hạn chế trên nếu không sớm được khắc phục, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của ngành.

Thiếu biên chế, áp lực công việc của thẩm phán và thư ký Toà án ngày càng lớn. Ảnh minh hoạ

Những năm gần đây, tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực nhà nước diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Toà án. Tình trạng này khiến các đơn vị Toà án nhân dân (TAND) hai cấp trên địa bàn tỉnh vốn đã thiếu biên chế nay lại càng thiếu, áp lực công việc của các thẩm phán, thư ký Toà án ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của hầu hết TAND cấp huyện xây dựng từ lâu, chật hẹp, xuống cấp, không bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức của ngành. Những khó khăn, hạn chế trên nếu không sớm được khắc phục, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của ngành. 

THIẾU BIÊN CHẾ, ÁP LỰC CÔNG VIỆC LỚN

Theo báo cáo của TAND tỉnh, 10 tháng năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đã thụ lý 9.627 vụ án các loại (trong đó cấp huyện 8.475 vụ, việc; cấp tỉnh: 1.152 vụ, việc); giải quyết 6.864 vụ, việc (trong đó cấp huyện 6.036 vụ, việc; cấp tỉnh 828 vụ, việc) đạt tỷ lệ 71,3%. Đối với công tác hoà giải, đối thoại, TAND hai cấp đã nhận 9.449 đơn khởi kiện/đơn yêu cầu; tổng số đơn đủ điều kiện chuyển sang hoà giải, đối thoại là 9.292 vụ việc. Đến nay, đã giải quyết 6.128 vụ, việc, trong đó hoà giải thành 3.172 vụ, việc.

Việc tổ chức phiên toà trực tuyến cũng được TAND hai cấp thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và các quy định, hướng dẫn của cấp trên; UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ TAND tỉnh kinh phí trên 1,7 tỷ đồng để thực hiện phiên toà trực tuyến. Tính cho đến nay, TAND tỉnh đã hỗ trợ TAND thành phố Tây Ninh xét xử 2 phiên toà trực tuyến về hình sự.

Thực hiện chỉ đạo của TAND tối cao, từ nay đến 30.9, mỗi đơn vị TAND tỉnh và các TAND cấp huyện sẽ xét xử ít nhất 3 phiên toà trực tuyến. Hiện các đơn vị đã lên lịch và liên hệ công ty truyền thông cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất xét xử trực tuyến 26 vụ án hình sự do cấp huyện thực hiện và 3 vụ án hành chính do cấp tỉnh thực hiện.

Từ kết quả hoạt động trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt, TAND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng công tác xét xử theo Chỉ thị số 01/2022/CT-CA của Chánh án TAND tối cao về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác TAND năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, không xử oan sai người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, có thực tế là trong khi số lượng án thụ lý của TAND hai cấp ngày càng lớn, tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp thì số lượng biên chế cán bộ, thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến áp lực công việc lớn, quá tải, nhiều người xin nghỉ việc. Từ năm 2018 đến nay, toàn ngành Toà án trên địa bàn tỉnh có 27 người nghỉ việc, 8 người xin chuyển công tác, tình trạng thiếu biên chế càng trở nên trầm trọng hơn. TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh hiện có 245/294 biên chế (trong đó, TAND tỉnh có 61/82 biên chế; TAND cấp huyện có 184/212 biên chế), thiếu 49 biên chế.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh, biên chế thẩm phán, thư ký viên Toà án thiếu rất nhiều so với chỉ tiêu phân bổ. Bình quân một thẩm phán được phân công giải quyết 9,71 vụ, việc/tháng, ngoài ra còn phải kiêm nhiệm công tác văn phòng, báo cáo thống kê, hỗ trợ công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án. Tại TAND cấp huyện, một thư ký viên phải làm việc phục vụ cho 2 đến 3 thẩm phán. Ngoài ra, thư ký cũng phải giúp việc, phục vụ công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án, nhiệm vụ văn phòng, kiêm nhiệm công tác công nghệ thông tin...

Do thiếu thư ký giúp việc, TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng với 11 nhân viên có trình độ cử nhân (10 cử nhân luật là con em của công chức Toà án có nguyện vọng làm việc tại Toà án, 1 cử nhân lưu trữ) làm bảo vệ, tạp vụ nhưng giúp việc cho thư ký và một số nhiệm vụ văn phòng. TAND cấp huyện không có biên chế công chức làm công tác công nghệ thông tin, văn thư lưu trữ, nên thư ký viên, thẩm phán kiêm nhiệm, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ đôi lúc còn sai sót, chưa triển khai các nhiệm vụ liên quan đúng với yêu cầu của TAND tối cao.

TAND thành phố Tây Ninh tổ chức xét xử trực tuyến.

TRỤ SỞ TOÀ ÁN CẤP HUYỆN XUỐNG CẤP, CHẬT HẸP

Phản ánh về tình trạng thiếu biên chế và cơ sở vật chất, ông Nguyễn Thọ Cường- Chánh án TAND Tân Châu cho biết, đơn vị hiện có 20 biên chế, trong đó có 14 thẩm phán, 5 thư ký, 1 kế toán, đang thiếu 2 thẩm phán và 2 thư ký Toà án. Tân Châu là địa bàn huyện biên giới rộng nhất Tây Ninh, số lượng án thụ lý cao hàng đầu của tỉnh nhưng cơ sở vật chất rất khó khăn.

Trụ sở TAND huyện được xây dựng từ những năm 1996 chỉ đủ phục vụ khoảng 10 biên chế, sau đó được xây dựng bổ sung thêm 2 phòng làm việc. Hiện TAND huyện có khoảng 9 phòng làm việc, chỉ Chánh án có phòng làm việc với diện tích khoảng 10m2, các phó Chánh án không có phòng làm việc riêng.

Mới đây, lãnh đạo đơn vị vận động xã hội hoá để mua sắm thêm được một số bàn làm việc, máy lạnh, đổ bê tông sân, trồng cây xanh. Lãnh đạo TAND huyện đã đề nghị huyện cấp đất, đề nghị TAND tối cao quan tâm bố trí kinh phí để đơn vị sớm xây dựng trụ sở mới, bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức.

Tương tự, tại thị xã Hoà Thành, tình trạng xuống cấp của trụ sở làm việc cũng được lãnh đạo TAND Thị xã phản ánh tại buổi làm việc với Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thái.

Theo đó, trụ sở TAND Thị xã được xây dựng từ năm 1997 tới bây giờ, chưa được sửa chữa gì thêm, diện tích phòng nhỏ hẹp. Hiện tại, số lượng án ngày càng lớn nhưng TAND Thị xã chỉ có một hội trường xét xử, có lúc phải tận dụng phòng họp cơ quan để làm nơi xét xử, máy móc thiết bị phục vụ công việc cũng thiếu. TAND thị xã Hoà thành đã được cấp đất xây dựng trụ sở mới, lãnh đạo đơn vị này kiến nghị TAND tối cao quan tâm sớm cấp kinh phí để xây dựng trụ sở.

Hiện nay, ngoài trụ sở TAND tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang, trong số 9 đơn vị Toà án cấp huyện, mới chỉ có TAND huyện Gò Dầu được xây dựng mới theo mô hình Toà án khu vực và đưa vào sử dụng từ năm 2013; trụ sở TAND thị xã Trảng Bàng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8.2022; TAND thành phố Tây Ninh được bố trí sử dụng lại trụ sở TAND tỉnh cũ từ tháng 12.2017.

Trong năm 2022, chỉ có đơn vị TAND huyện Gò Dầu và thành phố Tây Ninh được TAND tối cao bổ sung kinh phí sửa chữa, tu bổ theo niên hạn 900 triệu đồng/đơn vị. Đối với các đơn vị còn lại, trụ sở đều được xây dựng từ giữa thập niên 90, quy mô chỉ đáp ứng khoảng 10 đến 15 công chức sử dụng. Đến năm 2004, các TAND huyện Tân Châu, Hoà Thành, Châu Thành được bổ sung kinh phí để xây dựng thêm 1 phòng xét xử, tuy nhiên vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu.

Đến nay, số lượng biên chế của các đơn vị đều đã tăng gấp đôi, trong khi đó, một số kết cấu công trình trụ sở làm việc xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng đủ điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức. Trụ sở xuống cấp, xập xệ ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của cơ quan Toà án. Đồng thời, chưa bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án, phiên toà trực tuyến...

Để tiếp tục phấn đấu xây dựng TAND hai cấp ngày càng vững mạnh, tập trung hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn nghiệp vụ, cải cách hành chính tư pháp, đề án Toà án điện tử…

Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đề xuất, kiến nghị Ban Cán sự đảng TAND tối cao tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn giúp địa phương về biên chế, cơ sở vật chất. Theo đó, về công tác tuyển dụng công chức, xem xét cho TAND tỉnh có cơ chế đặc thù tuyển dụng tại chỗ, để bổ sung đủ số lượng biên chế thư ký viên, cho biên chế công chức văn thư lưu trữ (cấp tỉnh và cấp huyện); kế toán viên (cấp tỉnh); bố trí sắp xếp Toà chuyên trách tại TAND huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Biên.

Về cơ sở vật chất, xem xét phân bổ kinh phí xây dựng trụ sở mới các đơn vị TAND thị xã Hoà Thành (trong năm 2023) và các huyện còn lại gồm Tân Châu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên trong giai đoạn 2023 - 2025.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh