Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Y tế tổng kết công tác năm 2024:
Ngành Y nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân
Thứ tư: 08:05 ngày 25/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Sáng 24.12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đến dự hội nghị.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nối điểm cầu Trung ương với điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế… toàn ngành Y tế nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước.

Năm 2024 là năm đầu tiên Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế cùng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực nên phát sinh nhiều công việc hành chính, các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật, vì vậy khối lượng công việc tăng lên đáng kể.

Đoàn chủ toạ hội nghị

Ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong năm, hệ thống khám, chữa bệnh đã khám cho 170 triệu lượt ngoại trú, điều trị nội trú hơn 17 triệu lượt; chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục nâng lên; tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên. Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về khám, chữa bệnh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh...

Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Cả nước hiện có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập; khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người; mạng lưới bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa được mở rộng và phát triển.

Hệ thống khám, chữa bệnh triển khai áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai. Bên cạnh đó, công tác vận động hiến máu, mô tạng, nhất là người cho chết não có nhiều điểm tích cực, số người hiến mô tạng tăng vượt trội so với năm 2023; tiếp tục thực hiện quan điểm "lấy người bệnh làm trung tâm", triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sự hài lòng của người bệnh.

Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT; Phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Kết luận số 86-KL/TW ngày 10.7.2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới; trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định của Chính phủ, 11 Quyết định và 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế ban hành theo thẩm quyền 43 Thông tư.

Trong đó, các chủ trương, định hướng cho phát triển ngành Y tế trong trung và dài hạn được ban hành như chiến lược, quy hoạch ngành đến năm 2030, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới…

Nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán BHYT…

Cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục hoàn thiện; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở theo nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung ương, Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Trong đó, mạng lưới cơ sở y tế đã được phân bố rộng khắp nhưng việc tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế; một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao (số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023). Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng 3 năm gần đây không đạt 90%. Các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng, quản lý tại cộng đồng còn thấp.

Tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời. Việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành Y tế trong năm 2024; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho ngành Y tế.

Yên Khuê

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh