BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành Y tế Châu Thành: Tìm lời giải cho bài toán nhân lực

Cập nhật ngày: 12/11/2009 - 09:29

So với một số địa phương khác thì cơ sở vật chất của ngành Y tế huyện Châu Thành được xem là khá đồng bộ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tường, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho biết, tất cả 14 trạm y tế của xã đều phát huy được chức năng của mình. Hiện tại, chỉ còn thị trấn Châu Thành là chưa có trạm y tế. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay hoặc chậm lắm là đầu năm sau, người dân thị trấn sẽ có một trạm y tế mới hoàn toàn. Đồng thời, Châu Thành cũng sẽ xây mới hai trạm y tế ở hai xã Thanh Điền và Ninh Điền. Hiện tại, tất cả 14 trạm y tế của 14 xã đều đã có bác sĩ. Trong số đó có 3 bác sĩ từ tuyến tỉnh tăng cường về để hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở. Nhờ đó, người dân bước đầu tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của y tế tuyến xã.

Trạm Y tế xã Hảo Đước mới được xây cùng lúc với việc thành lập xã mới nên cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ. Y sĩ Lê Thành Học, phó Trưởng Trạm cho biết: trước đây, mỗi ngày thường chỉ có khoảng mươi mười lăm lượt người đến khám và chữa bệnh. Từ nửa cuối năm 2009 đến nay, số người đến trạm để khám chữa bệnh gia tăng đáng kể, có ngày, có gần 40 lượt người. Điều đó cho thấy sự “khởi sắc” của cơ sở y tế tuyến xã.

Khám bệnh cho trẻ em tại TTYT Châu Thành.

Trung tâm Y tế Châu Thành – cơ sở y tế lớn nhất của huyện hiện có cơ sở vật chất khá khang trang. Bác sĩ Tường cho hay, không lâu nữa, một khu nhà bốn tầng sẽ được xây mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tổng số vốn đầu tư cho công trình này khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện các thủ tục cũng như những điều kiện quan trọng nhất để khởi công xây khu điều trị mới đã được hoàn tất. Bản thiết kế chi tiết cũng đã xong. Khu điều trị mới sẽ có quy mô 100 giường bệnh.

Tuy vậy, một trong những vấn đề mà lãnh đạo Trung tâm Y tế Châu Thành đang trăn trở là nguồn nhân lực cho Trung tâm. Nếu như các trạm y tế tuyến xã đã lấp được tình trạng “trắng” bác sĩ thì Trung tâm Y tế của huyện lại đang thiếu nhân lực và ở một mức nào đó cũng còn thiếu về chất lượng đội ngũ. Hiện cả Trung tâm chỉ mới hai bác sĩ có trình độ chuyên khoa cấp I, trong khi theo yêu cầu “chuẩn” thì số bác sĩ chuyên khoa I phải có 8 người. Ngoài ra, một số khoa như Cấp cứu, Sản, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt đều đang thiếu bác sĩ. Để khắc phục tình trạng này, ban lãnh đạo Trung tâm đã có kế hoạch đưa người đi học để nâng cao trình độ. Hiện một bác sĩ đang đi học chuyên khoa I, một người nữa cũng sắp được đưa đi. Ngoài ra, có 5 người đang đi học để lấy bằng bác sĩ. Đội ngũ dược sĩ có trình độ đại học cũng đang thiếu. Trung tâm đã đưa 2 người đi học để bổ sung chỗ thiếu hụt này.

Sau khi sáp nhập, Trung tâm Y tế Dự phòng trở thành một khoa của Trung tâm Y tế huyện. Theo bác sĩ Tường, việc sáp nhập này, về mặt quản lý Nhà nước, không có sự xáo trộn nào đáng kể. Ngược lại, trong đợt điều trị dịch cúm A/ H1N1, nhờ có đội ngũ y tế dự phòng mà áp lực công việc đã giảm đi đáng kể.

Có thể nói, trong tình hình mà ngành Y tế của tỉnh Tây Ninh đang rơi vào tình trạng “u ám” vì các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cứ lần lượt ra đi tìm “chân trời mới”, không thể không ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế Châu Thành. Trong thời gian tới, khi những cái thiếu hụt đã được bổ sung, lắp đầy các cơ sở khám chữa bệnh sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân địa phương, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

VIỆT ĐÔNG