Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành Y tế tập trung thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ
Thứ tư: 13:54 ngày 17/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đổi mới hoạt động y tế cơ sở gắn với quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, tăng tỷ lệ giường bệnh, đưa 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối vào hoạt động, khuyến khích phát triển y tế tư nhân…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Hiền Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế sẽ triển khai theo Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 1/1/2018) của Chính phủ.

Nghị quyết 01 mới đây của Chính phủ có yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có đưa ra thông điệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là vấn đề quan trọng đặc biệt. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số giải pháp trọng tâm để phát triển y tế Việt Nam trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để y tế Việt Nam phát triển, cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ từ phía các cơ sở y tế cũng như giảm các rào cản về địa lý, tài chính, văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, một số giải pháp chủ yếu mà ngành Y tế đặt ra đó là, thực hiện các giải pháp y tế công cộng, bảo vệ sức khỏe, giải quyết các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua các chính sách liên ngành, bao gồm việc nâng cao hiểu biết của người dân về sức khỏe.

Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, lấy người dân làm trung tâm, bao phủ toàn bộ các khu vực, đặc biệt quan tâm tới các nhóm dân cư yếu thế, theo dõi sức khỏe đến từng người dân. Thực hiện các chương trình y tế dự phòng có hiệu quả, chẩn đoán sớm và giải quyết bệnh tật tại gia đình và cộng đồng.

Đồng  thời, nâng cao hiệu suất của hệ thống y tế như sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả từ trung ương đến địa phương, lựa chọn thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu điều trị với mức chi phí phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHYT và khả năng chi trả/cùng chi trả của người dân.

Áp dụng phương thức chi trả nhằm khuyến khích sử dụng nguồn tài chính có hiệu quả. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng sẽ tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân trong khám chữa bệnh như tiếp tục thực hiện BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi chi trả của quỹ BHYT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng cho cá nhân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi chưa có chế độ hưu trí, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh.

Thưa Bộ trưởng, cũng theo Nghị quyết 01, trong năm 2018, Bộ  Y tế và một số bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối. Xin hỏi Bộ trưởng, đến nay 5 bệnh viện này đã được thực hiện đến đâu và khi nào thì các bệnh viện chính thức đi vào vận hành?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối” được phê duyệt theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/12014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Y tế được giao triển khai 2 dự án là xây dựng mới cơ sở 2 của bệnh viện Việt Đức (quy mô 1.000 giường) và cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai (quy mô 1.000 giường), Bộ Quốc phòng 1 dự án là Viện Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện 175 (quy mô 500 giường), UBND TPHCM2 dự án là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM và cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu (1.000 giường).

Đến nay, trong số 5 dự án đã có 1 dự án là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM với quy mô 1.000 giường đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ 16/1/2017.  Các dự án còn lại đang khẩn trương thi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2018 để đưa vào khai thác vận hành.

Khi các bệnh viện, viện này chính thức đi vào vận hành sẽ đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối.

Ngoài Đề án xây dựng 5 bệnh viện trên, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2018 còn bố trí một số dự án khác cho ngành y tế, bao gồm cả dự án cấp Trung ương và cấp địa phương. Việc thực hiện các dự án này năm 2017 và kế hoạch triển khai các dự án này trong năm 2018 như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020, trong đó ở Trung ương đầu tư xây dựng 8 dự án bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, ở các địa phương đầu tư các dự án bệnh viện đa khoa của các tỉnh Sơn La, Bình Phước, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Năm 2017, Bộ Y tế được giao kế hoạch vốn đầu tư cho 1 Dự án hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định (Dự án mua sắm trang thiết bị cho BV bệnh Nhiệt đới Trung ương). Đối với các tỉnh được đầu tư Dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng đã được bố trí vốn để khởi công ngay trong năm 2017 (trừ Tiền Giang).

Bộ Y tế cũng đã rà soát và đề xuất kế hoạch vốn TPCP năm 2018 cho 5 dự án: Trung tâm ung bướu Bệnh viện E, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương giai đoạn 2 (Đầu tư mua sắm trang thiết bị), Bệnh viện Lão khoa TW cơ sở 2, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM.
Các dự án này đều thực sự rất cần thiết đầu tư trong giai đoạn hiện nay nhằm giải quyết vấn đề quá tải, nâng cao chất lượng y tế, phát triển các chuyên ngành lão khoa, sản, nhi, nội tiết chuyển hoá và ngoại, chấn thương, chỉnh hình hiện đang rất thiếu và quá tải. Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ đóng vai trò bệnh viện đầu ngành tuyến cuối và là trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh khu vực Hà Nội, phía nam khu vực TPHCM và khu vực đồng bằng sông Cửu long.

Phát triển y tế cơ sở là một trong những nhiệm vu trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Phát triển y tế cơ sở cũng là vấn đề được Bộ trưởng quan tâm và nhấn mạnh rất nhiều lần, vậy xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế đã và đang thực hiện một số giải pháp để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở như củng cố hệ thống tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở theo hướng thu gọn đầu mối, thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng (cả dự phòng và khám chữa bệnh) và quản lý trạm y tế xã. Bước đầu triển khai quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại trạm y tế xã, mô hình y học gia đình.

Ngành Y tế cũng đã, đang và sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế. Triển khai dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn... Đồng thời, huy động được nhiều dự án viện trợ, vốn vay ưu đãi để đầu tư cho y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng đã phân loại các trạm y tế xã theo tiêu chí quốc gia y tế xã, trong đó chia thành 3 vùng dựa trên khoảng cách địa lý, địa hình, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân để đầu tư cho phù hợp, không dàn trải, tránh lãng phí.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cơ sở vật chất cho y tế tuyến xã, xây mới những trạm y tế ở những nơi dân sống mà chưa có trạm, nhất là ở vùng sâu vùng xa, còn những trạm đang hiện hữu thì nâng cấp, sửa chữa. Danh mục thuốc và danh mục kỹ thuật được thực hiện ở tuyến xã cũng phải tăng lên, chi phí cho trạm y tế cũng sẽ tăng.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Và mới đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn triển khai mô hình điểm bác sĩ gia đình tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm…

Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện của ngành y tế đến nay đã đạt hiệu quả chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Với nhiều giải pháp ngành Y tế đã và đang thực hiện, tình trạng giảm tải bệnh viện đã giảm đáng kể sau trong 5 năm qua, tuyến Trung ương hiện giảm còn khoảng 12-15% giường bệnh nằm ghép, thay vì 50 - 60% như thời điểm năm 2012, tại tuyến huyện hiện còn 10-11% thay vì 20-40%. Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn.

Nguyên nhân của thực trạng này là do số người tham gia BHYT tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm (trung bình 2 lượt KCB/thẻ/năm). Các bệnh viện tuyến huyện chủ yếu phục vụ người bệnh có BHYT.

Bên cạnh đó, quy định về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện dẫn đến việc tăng số lượt bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện. Nhiều người mặc dù bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng vẫn muốn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải.

Mặt khác, do mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch huyết áp, tiểu đường, bên cạnh đó, dịch bệnh ngày càng gia tăng, trong khi, cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân...

Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tránh để người dân nằm ghép nên các bệnh viện buộc phải tận dụng không gian còn trống để kê thêm giường bệnh. Thời gian qua, có nhiều bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang, hội trường, dồn phòng làm việc của nhân viên…

Trong nhiệm vụ giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện với một số chỉ số cơ bản.

Năm 2018, 100% bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện.

Năm 2020, không còn tình trạng quá tải bệnh viện (đạt mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện).

Năm 2018, 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn chinhphu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục