Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua 5 đợt chuyển giao (từ tháng 8.2024), BVĐK tỉnh đã chẩn đoán, điều trị 19 ca theo kỹ thuật đã được tiếp nhận chuyển giao tại 2 gói kỹ thuật. Tỷ lệ tai biến so với quy định trong đề cương là 1%. Trong đó, ekip của bệnh viện đã thực hiện độc lập thành công 9 ca “Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA, Laser,…)” và 2 ca “Hồi sức cấp cứu” tại bệnh viện.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Văn Nút- Trưởng Khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ.
Ngày 15.11, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh tổ chức nghiệm thu kỹ thuật và thanh lý hợp đồng chuyển giao 2 gói kỹ thuật: “Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (laser)” và kỹ thuật “Hồi sức cấp cứu” theo Đề án 1816 năm 2024 giữa đơn vị và Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh.
Dự lễ nghiệm thu có bác sĩ CKII Đỗ Hồng Sơn- Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh.
Đây là giai đoạn cuối của việc chuyển giao hai gói kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế về “cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26.5.2008 của Bộ Y tế).
Lãnh đạo hai bệnh viện tiến hành ký biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng chuyển giao theo Đề án 1816 năm 2024.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và bác sĩ Trương Dương Tiễn- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Khu D Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh hoàn thành nghiệm thu và thanh lý hợp đồng theo Đề án 1816.
Bác sĩ CKII Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, trong năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu từ các khoa lâm sàng của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, như: khoa Tim mạch can thiệp; khoa Điều trị rối loạn nhịp tim; khoa Phẫu thuật mạch máu; khoa Hồi sức tích cực... Đến nay, 2 gói kỹ thuật “Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần” và “Hồi sức cấp cứu” đã hoàn thành được các chỉ tiêu theo quy định Bộ Y tế, được Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành nghiệm thu và thanh lý hợp đồng chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816.
Lãnh đạo ngành Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Chợ Rẫy chụp ảnh lưu niệm tại lễ nghiệm thu, thanh lý hợp đồng chuyển giao 2 gói kỹ thuật.
Qua 5 đợt chuyển giao (từ tháng 8.2024), BVĐK tỉnh đã chẩn đoán, điều trị 19 ca theo kỹ thuật đã được tiếp nhận chuyển giao tại 2 gói kỹ thuật. Tỷ lệ tai biến so với quy định trong đề cương là 1%. Trong đó, ê-kíp của bệnh viện đã thực hiện độc lập thành công 9 ca “Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA, Laser…)” và 2 ca “Hồi sức cấp cứu” tại bệnh viện.
Bệnh viện đã cử ê-kíp gồm 10 bác sĩ, điều dưỡng đào tạo lý thuyết trực tuyến và thực hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, được cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục của Bệnh viện Chợ Rẫy theo Đề án 1816 năm 2024. “Với kết quả này, ê-kíp bệnh viện có đủ khả năng tiếp nhận người bệnh và thực hiện độc lập để điều trị cho người bệnh”- bác sĩ Tâm nhận định.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Văn Nút- Trưởng Khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh khám, siêu âm mạch máu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Tại lễ nghiệm thu, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn mong muốn trong những năm tiếp theo, Bệnh viện Đa khoa nói riêng, ngành Y tế nói chung tiếp tục nhận được sự quan tâm và chuyển giao nhiều kỹ thuật mới của Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng Chỉ đạo tuyến và các khoa lâm sàng bệnh viện, nhằm giúp người bệnh được tiếp cận các kỹ thuật mới, chuyên sâu tại chỗ mà không phải chuyển viện, giảm thời gian di chuyển và chi phí điều trị, hạn chế được di chứng, đồng thời góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.
Thay mặt Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Văn Nút- Trưởng Khoa Phẫu thuật mạch máu bệnh viện cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và các y, bác sĩ Tây Ninh trong công tác đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu, không riêng hai gói kỹ thuật “Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần” và “Hồi sức cấp cứu” trong thời gian tới.
Tâm Giang