Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngẫu hứng tre Việt

Cập nhật ngày: 07/11/2012 - 05:24

Theo thống kê của Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn, cả nước có 713 làng nghề tre, trúc, mây tre đan, thu hút 1,3 triệu hộ gia đình, 10 triệu lao động, thu nhập bằng 2 - 4 lần lao động thuần nông.

Chúng tôi đến làng Thu Thuỷ, xã Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội), làng nghề tre trúc nổi tiếng từ 300 năm nay, sản phẩm là nhà tre, trường kỷ, giường nằm, bàn ghế, tủ, song long, và các đồ gia dụng; là các mẫu tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… được chế tác bằng tre. Kỹ thuật chế tác đã được các nghệ nhân đúc kết thành những tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật như: kèo tư, ốp tám; ngạch ba đố nấm; kèo buộc mây, tết vành trăng tròn; con xỏ đít quýt lắp giao liên. Sản phẩm tre trúc Thu Thuỷ nổi tiếng, sánh vai với các sản phẩm nổi tiếng khác của vùng.

Đường quê Việt Nam rợp bóng mát của tre

Theo ông Phan Văn Ngự, phó GĐ Cty TNHH mây tre đan Bông Mai (Xuân Thu, Sóc Sơn), kinh nghiệm từ nhiều đời cho thấy với dóng tre ngâm kỹ dưới nước, đưa lên mái nhà, hoặc đóng xuống lòng đất có sức bền trăm năm vừa dẻo vừa dai. Ngày nay nhiều công trình khoa học đã chứng minh điều đó. Hơn nữa tre trúc ngày nay được xử lý bằng hoá chất, vừa bền vừa không mối mọt, tuổi thọ cao, thích ứng với thời tiết, khí hậu, dễ sử dụng, giữ được màu sắc, có giá trị thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông kỹ sư Phan Khai, nguyên Chủ nhiệm HTX mây tre Thu Hồng (Xuân Thu, Sóc Sơn), đã đưa đề án xây dựng hội trường lớn bằng tre trúc được nhiều người chú ý. Ông Nguyễn Kỷ- chủ cơ sở sản xuất Xuân Lai (Xuân Lai, Gia Bình, Bác Ninh) đem đến Hội chợ những bộ tranh tre hun khói khá độc đáo. Đặc biệt nghệ sĩ Nguyễn Kim Xuân đã sản xuất những bức tranh tuyệt đẹp từ tre. Tranh tre là loại hình nghệ thuật mới của Việt Nam. Tâm hồn văn hoá và bản sắc dân tộc Việt Nam đã vẽ lên bằng đường nét và màu sấc tự nhiên của tre, với rất nhiều thể loại từ tranh dân gian, tranh hoành tráng đến tranh nghệ thuật hiện đại.

Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương khôi phục và phát triển làng nghề, những làng nghề tre trúc, mây tre đan như diều gặp gió. Huyện Phú Xuyên có 37 làng nghề mây tre đan. Huyện Chương Mỹ có tới 97% làng làm nghề mây tre đan. Xã Phú Nghĩa (Chương Mĩ, Hà Tây) cả 4 làng, có đến 87% hộ gia đình làm nghề mây tre đan, đủ các loại đồ gia dụng, mũ nam, túi xách, làn, bàn, ghế, giường, tủ… Nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh (Phú Vinh, Phú Nghĩa) đã kết hợp mây tre với gốm để sản xuất thành sản phẩm bình gốm đan mây, đèn gốm đan mây được khách hàng rất ưa thích, sản phẩm được bán trong nước và xuất sang các thị trường ngoài nước đạt doanh thu cao, đã có 3 sản phẩm đạt giải nhất, giải nhì và giải thưởng sáng tạo kiểu dáng trong các cuộc thi sản phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức hàng năm.

Công trình Bamboo Wing tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, sử dụng vật liệu làm từ tre được bảo tàng Chicago Athenaeum, Mỹ, trao giải thưởng International Architecture Award.

Mấy năm gần đây sản xuất mây tre tuy có bị suy giảm, do sức mua kém, thi trường bị thu hẹp, giá nhân công, giá nguyên liệu tăng cao… Nhưng ở hội chợ hàng mỹ nghệ Hà Nội đã xuất hiện nhiều mặt hàng trang trí bằng mây tre đan như đèn kéo quân, đèn lồng, đèn chao chụp đan bằng lõi mây, giỏ hoa bằng mây. Tre không chỉ biểu hiện văn hoá sống mà còn phục vụ đa dạng các nhu cầu của con người. Nhân dân ta đã dùng tre vào biết bao nhiêu việc, từ làm cột, kèo, rèm cửa đến bàn, ghế, chõng, giường, đan lát rổ rá, đó, nơm, làm gáo múc nước, đôi đũa, que tăm, chiếc cán cuốc, cán xẻng, chiếc gậy chống, đến cả chiếc điếu cày, cả món ăn, thức uống. Đó là sản phẩm của những bàn tay vàng, tài hoa, là những trí tuệ của sự khéo léo, của tính năng động, muốn vươn lên xây dựng, khẳng định một nền kinh tế tự chủ, độc đáo, sáng tạo, một nền kinh tế nảy sinh từ tài nguyên đất nước.

Cuộc sống hiện đại đang từng bước đưa con người về lại với thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Phát triển du lịch làng nghề đang là nhu cầu của du khách và cũng là hướng phát triển nhiều tiềm năng của du lịch Việt Nam. Chúng ta không những đưa du khách về với làng quê tre xanh mát rượi, dáng tre nghiêng nghiêng trong nắng chiều man mác tiếng ru hời, với tiếng sáo diều, hay tiếng kĩu kịt của lũy tre quanh làng, mà cần sản xuất nhiều sản phẩm từ tre, trúc, song, mây phù hợp thị hiếu du khách, đó cũng là cách phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

V.C (st)

 


 
Liên kết hữu ích