Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) mới giữa Nga và Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 22.6 tại Genava (Thuỵ Sĩ).

![]() |
Tên lửa hạt nhân chiến lược Topol-M của Nga |
Mới đây, bà Natalya Timakova – người phát ngôn của Tổng thống Nga – cho biết, vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) mới giữa Nga và Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 22.6 tại Genava (Thuỵ Sĩ).
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24.6 tại Geneva. Mỹ và Nga từng tiến hành 2 vòng đàm phán (hai ngày 19- 20.5 tại Moscow và ngày 1- 3.6 tại Geneva) nhưng không đạt được bất kỳ đột phá nào.
Dưới Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START-1), hết hiệu lực vào ngày 5.9.2009, Nga – Mỹ đã giảm số đầu đạn hạt nhân của hai nước đến 6.000 và vũ khí chiến lược của mỗi nước đến 1.600. Năm 2002, một thoả thuận bổ sung về việc giảm bớt vũ khí quân sự chiến lược đã được ký kết tại Moscow. Thoả thuận này, còn được gọi là Hiệp ước Moscow, đặt ra mục tiêu cắt giảm từ 1.700 – 2.200 đầu đạn hạt nhân vào tháng 9.2012.
Medvedev và Obama đã thống nhất trong cuộc gặp tại London hồi đầu tháng 4 về việc lập tức khởi động các cuộc đàm phán về việc thay thế hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược.
Phát biểu trước giới báo chí tại Moscow hôm 20.6, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng, cuộc họp của ông với người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama vào tháng 7 tới tại thủ đô Moscow sẽ xúc tiến một hiệp ước giải giáp hạt nhân mới. “Chúng tôi sẵn sàng cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược gấp nhiều lần so với hiệp ước START-1. Về phần những đầu đạn hạt nhân được gắn với những vũ khí chiến lược này, số lượng của chúng sẽ thấp hơn so với mức đưa ra trong Hiệp ước Moscow năm 2002” – Ông Medvedev nói. Ông cho biết thêm, cuộc hội đàm với Tổng thống Obama cũng sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế và khu vực cũng như những khía cạnh khác của quan hệ song phương.
Theo Tổng thống Medvedev, việc giảm vũ khí chiến lược là có thể nếu Mỹ xoa dịu những lo lắng của Nga về việc triển khai lá chắn tên lửa của nước này tại Trung Âu. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể đồng ý với kế hoạch tạo hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự cắt giảm mà chúng tôi đề xuất chỉ có thể đạt được nếu Mỹ giảm bớt những lo ngại của Nga”.
Nga phản đối kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và hệ thống rada tại CH Czech của Washington vì cho rằng đó là mối đe doạ an ninh của Moscow. Trong khi đó, phía Mỹ biện hộ cho việc triển khai lá chắn tên lửa này là việc làm cần thiết để chống lại những khả năng tấn công từ những nước “cứng đầu” như Iran.
THUÝ TRINH
(Theo RIA Novosti)