Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ngày 30.6, Mỹ bắt đầu rút quân ra khỏi thành thị Iraq: Niềm vui xen lẫn nỗi lo âu
Thứ hai: 10:12 ngày 22/06/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Thoả thuận An ninh được ký kết giữa Baghdad và Washington hồi năm ngoái, ngày 30.6.2009, binh lính Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi các thành phố, thị trấn trao quyền kiểm soát cho các lực lượng an ninh Iraq. Đối với người dân Iraq, đó là một niềm vui không thể tả cho dù phải đến năm 2012, binh lính Mỹ mới hoàn toàn rút khỏi quốc gia Hồi giáo này.

Binh lính Mỹ tuần tra ở TP. Mosul. Ảnh: AP

Theo Thoả thuận An ninh được ký kết giữa Baghdad và Washington hồi năm ngoái, ngày 30.6.2009, binh lính Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi các thành phố, thị trấn trao quyền kiểm soát cho các lực lượng an ninh Iraq. Đối với người dân Iraq, đó là một niềm vui không thể tả cho dù phải đến năm 2012, binh lính Mỹ mới hoàn toàn rút khỏi quốc gia Hồi giáo này.

Tại các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng ở thành phố lớn, nhiều người tỏ ra rất phấn khích khi ngày 30.6 đang đến thật gần. Kể từ khi Mỹ lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein, đây cũng là những địa điểm binh lính Mỹ thường xuyên lui tới, và cũng là mục tiêu tấn công của các lượng nổi dậy hay khủng bố Al-Qaeda. Tại TP. Mosul, Haitham Nief – một tài xế taxi – vui vẻ trò chuyện với phóng viên Reuters. Anh nói, thành phố này là một trong những nơi thường xuyên diễn ra những vụ đánh bom đẫm máu. Nhưng anh cho rằng, thành phố sẽ an ninh hơn một khi người Mỹ rời đi, tập trung trong các căn cứ ở vùng ngoại ô. “Bất cứ ai muốn đánh đấm với họ đều cũng sẽ phải ra vùng ngoại ô, tấn công vào các căn cứ của Mỹ. Như thế sẽ không gây hại cho dân thường” – Nief khẳng định. Hoặc như lời Ahmed Salih, làm nghề khuân vác ở khu chợ Dawasa: “Chỉ vì sự hiện diện của người Mỹ mà khu chợ này trở nên hoang tàn. Chúng tôi sống trong sự tuyệt vọng, hết đánh bom rồi đến bắn nhau… không nghề nghiệp, không tiền bạc, cũng chỉ vì người Mỹ”.

Các vụ tấn công tại Iraq giảm hẳn đi. Đánh bom cũng có xảy ra, nhưng quy mô thiệt hại không lớn như trước đây. Khó mà xác định được đó là thành quả từ những nỗ lực của binh lính và cảnh sát Iraq hay do các phe nhóm nổi dậy thiếu tổ chức và không đủ lực để tiếp tục duy trì khả năng “quậy phá”. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq, thiếu tướng Abdul-Karim Khalaf cho biết, tổ chức khủng bố Al-Qaeda không còn mạnh như trước đây. “Al-Qaeda đang mất dần tầm ảnh hưởng. Nếu như ngày trước, chúng thường tuyển mộ tân binh bằng đức tin hay học thuyết. Bây giờ, chúng phải dùng tiền mới chiêu dụ được những kẻ liều chết”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy lo âu khi các lực lượng an ninh Iraq chưa đủ sức trấn áp các nhóm vũ trang của người Sunni và Shi’ite. Chính Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng hiểu được nỗi lo âu của dân chúng. Ông kêu gọi mọi người “đừng mất lòng tin vào chính phủ”. Tuy nhiên, chỉ một vài giờ sau phát biểu của Thủ tướng Iraq, một tài xế lái xe tải chở bom lao vào thánh đường của người Hồi giáo Shi’ie ở TP. Kirkuk làm hơn 70 người thiệt mạng.

Khi người Mỹ rút đi, người ta lo ngại, cảnh sát sẽ bắt tay với các phe phái chính trị, nhắm mắt cho qua việc các phe phái này bắn giết lẫn nhau.

Dẫu sao, đối với đa số người dân Iraq, việc Mỹ rút quân được xem là “một chiến thắng vĩ đại”, niềm vui đó có thể giúp mọi người xích lại gần nhau, chung tay xây dựng đất nước, từ đống tro tàn của chiến tranh.

Đ. Hoàng Thái

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục