Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày cận Tết, mua hay bán tiền giả đều có thể bị phạt tù
Chủ nhật: 12:47 ngày 19/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày giáp Tết, tình trạng mua bán tiền giả đang diễn ra tràn lan, với những lời chào mời như “1 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả”.

Những ngày cận Tết, nhu cầu đổi tiền mới để mừng tuổi, biếu tặng đều tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, nhiều nhóm tội phạm mua bán tiền giả hoạt động mạnh trên các trang mạng xã hội. 

Nhằm tạo lòng tin cho người mua, một số đối tượng còn đăng tải hình ảnh của mình để "quảng cáo" cho tiền giả. 

Các đối tượng còn lập nhiều website chuyên hoạt động về buôn bán tiền giả như: giaodich24h...; ongtrumtiengia...; muatiengia79.weebly… với nhiều lời chào mời hấp dẫn như “1 triệu tiền thật đổi được 10 triệu tiền giả”, “giao hàng trực tiếp, đảm bảo an toàn”...

Khi liên hệ với các đối tượng để đặt vấn đề mua tiền giả, phần lớn các địa chỉ sẽ yêu cầu người mua thanh toán trước 50%. Sau đó, các đối tượng cam kết có người mang tiền giả đến tận nơi và 50% còn lại thanh toán khi nhận hàng. 

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP Luật sư Tinh thông Luật) cho biết: “Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Theo quy định, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít.

Nếu giao dịch tiền giả diễn ra thành công, cả người mua và người bán đều phạm tội tàng trữ, lưu hành tiền giả và có thể bị xử lý thêm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án cao nhất là chung thân".

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh thông Luật.

"Pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc về việc mua bán tiền giả. Cho dù cá nhân thực hiện hành vi ở bất cứ giai đoạn nào, đã hoàn thành hay chuẩn bị phạm tội, giao dịch mua bán thành công hay không... đều chịu trách nhiệm hình sự. Cho dù người mua tiền giả chỉ tàng trữ mà không sử dụng, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện cũng vi phạm Bộ luật hình sự” - Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Theo một đại diện của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao - Bộ Công an, ngày cận Tết là thời gian tội phạm tiền giả hoạt động mạnh. Tội này luật không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành. Người nào có hành vi và chưa cần gây ra hậu quả thì xem như hành vi tội phạm đã hoàn thành. 

“Có nhiều trường hợp người mua bị bên bán lừa. Sau khi chuyển tiền cọc xong thì bị chặn tài khoản, cắt đứt liên lạc. Hoặc khi gửi tiền, các đối tượng chuyển đến tiền âm phủ” - vị đại diện này cho biết.

Theo Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo giá trị tiền giả, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 - 20 năm tù hoặc chung thân. Cụ thể:

- Phạt tù từ 03 - 07 năm với người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

- Phạt tù từ 05 - 12 năm với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 05 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

- Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên.

Cũng theo khoản 4 Điều này, người chuẩn bị phạm tội thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.

Bên cạnh hình phạt tù, người phạm tội còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn VOV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục