BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày chủ nhật ở dinh Ông An Thạnh

Cập nhật ngày: 22/03/2011 - 10:16

Hồ nước dinh Ông

Có lẽ đã lâu lắm rồi, mới có dịp trở lại dinh Ông An Thạnh vào một trưa chủ nhật đẹp trời. Tháng ba, đường Xuyên Á đoạn Gò Dầu - Mộc Bài trời chang chang nắng. Nhưng chỉ cần rẽ theo đường về ba xã cánh tây Trảng Bàng chừng non cây số là đã thấy một khu gò mát rượi - dinh Ông. Nước nổi thuyền lên! Dinh Ông từ cả chục năm nay đã nhờ lộc của trời chăng? Chẳng phải! Lộc đây là do con người tạo dựng. Thì đây, kế bên đường Xuyên Á êm rượi bánh xe lăn, tấp nập xe hàng và những xe buýt cao cấp chở du khách đi hành hương chùa Bạc, chùa Vàng Phnôm Pênh hay Angkor Vát, Angkor Thom, Xiêm Riệp. Đấy là còn chưa kể đến một số người mê mẩn đỏ đen tìm qua bên kia Mộc Bài để đánh bạc. Số này là chuộng mê tín lắm, thế nào mà chẳng tìm đến dinh cúng chút hương hoa, bạc lẻ với niềm tin “thắng đậm” keo này. Không biết có phải thế không, nhưng rõ ràng là khu dinh Ông, gồm có dinh thờ ông Chúa Tàu và chùa Phật An Phước đã ngày càng trở nên khang trang về kiến trúc cũng như xanh, sạch, mát môi trường gồm vườn cây, hồ nước bao quanh.

Ngay từ ngoài cổng, vẫn là cái cổng cũ có trước 1975 đã từng được in trong sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, đã thấy những cây xà cừ lực lưỡng, sum suê toả bóng. Kiến trúc đầu tiên ở gần đường nhất chính là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã An Thạnh. Nơi này từng có những trận giao tranh quyết liệt trong những ngày chiến dịch mùa xuân tháng 3.1975 giải phóng Bến Cầu. Máu xương liệt sĩ từng thấm xuống đất dinh Ông. Vì thế mà nhà bia của xã được chọn nơi đây thật đắc địa. Sẽ càng có ý nghĩa hơn khi gò đất này giờ đã có đủ cả dinh, chùa và nhà bia. Tục lệ tín ngưỡng dân gian người Việt từ lâu nay, vốn đã có lệ thờ binh gia, tướng sĩ.

Sau cổng vào là một con đường thẳng thắn nghiêm trang nhờ hai hàng cau kiểng, như hai hàng lính đứng chào. Trục chính  này sẽ dẫn ta có thể vào thẳng chùa, sau khi thắp nhang cho tượng Phật Di Lạc, một mình toạ lạc một bệ cao dưới một nhà tám mái chồng diêm. Từ đấy, có thể rẽ trái sang đường đi ra hồ nước. Trên đường, là các toà miếu ngũ hành, tam thế Phật, ông Tà. Dưới triền gò gần hơn với mặt hồ, còn có một pho tượng lớn Phật Thích Ca khoác áo cà sa, toạ thiền dưới cội bồ đề. Khách có thể lần theo vài bậc đá xuống phía hồ để đến bên tượng Phật. Hoặc đứng lại trên cao, tần ngần ngắm nghía mặt hồ trải rộng ra, nối dài liên tục với cánh đồng xanh mát ở đằng xa. Chú ý rằng, ngay trên đỉnh gò để phóng tầm mắt ấy, còn có một cụm cây duối già cổ thụ. Thân thẳng và to cỡ quá một vòng ôm, da mốc mác lốm đốm trắng với xanh rêu. Tán lá xùm xoà bốn mùa chỉ một màu xanh đậm. Chính là những cây duối này đây đã đem lại vinh danh cho gò dinh Ông chẳng kém gì những truyền thuyết từng lưu truyền ở Tây Ninh qua năm, sáu đời người. Vài tuần đầu tháng 3.2011 này, báo chí đã kể đến những công lênh của người dân nơi này, nơi khác trong sự nghiệp giữ gìn cây cổ thụ. Như ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương giữ cả một rừng lim bảy, tám trăm năm. Hay ở Thừa Thiên, Quảng Bình, cư dân cũng bảo vệ được hàng mấy héc ta rừng cây lộc vừng 500 tuổi. Thì ở Tây Ninh, cũng nên tôn vinh những người có công bảo vệ cây ruối cổ trên đất Bến Cầu. Duối có ở nhiều nơi như đình Long Giang, ở khu Thành Bảo hoặc chùa Bàu Tượng xã Long Giang… Nhưng nguyên một rừng duối rộng tới gần héc ta, thì có lẽ chỉ có ở dinh Ông - An Thạnh. Đấy là khi ta đã vào mé bên trong những chùa, miếu, dinh thờ… bỗng như đột ngột hiện ra một không gian cổ tích. Hàng trăm cây duối non, già mọc tựa vào nhau vươn lên cao đón nắng mặt trời. Dưới bóng sẫm của rừng cây khép tán còn là những bụi dây leo vấn vít, mà với kích thước dây cỡ bắp chân, bắp tay kia thì chắc cũng đã “thượng thọ” từ lâu. Dưới tán rừng này, chủ nhật nào cũng có từng tốp bạn trẻ từ Gò Dầu, Trảng Bàng sang, từ thị trấn Bến Cầu hay cửa khẩu Mộc Bài về làm một tour picnic. Họ ăn uống, hát ca rồi trải bạt, mắc võng nằm nghỉ trưa ngay trong rừng duối. Cũng lạ làm sao là nền rừng lại sạch sẽ bất ngờ.

Rừng duối ở dinh Ông.

Vẫn còn nữa, trước khi rời dinh một trưa ngày chủ nhật. Ấy là nước mía của hàng nước mía trước cổng chùa lại có vị ngon riêng, hoàn toàn thanh khiết. Như là chỉ thuần khiết mía ngọt của Tây Ninh quê ta, chưa bị trộn với bất cứ một vị hương nào khác. Thật là kỳ ảo dinh Ông, khi chỉ non cây số ngoài kia là một dòng xe, dòng đời tất bật tưởng như cuốn theo tất cả những gì trầm mặc xa xưa hay gió nội, hương đồng.

TRẦN VŨ