BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày đã xa

Cập nhật ngày: 03/09/2017 - 08:21

BTN - Gần 50 năm giang hồ lưu lạc. Ngày Sư huynh trở lại con xóm tuổi thơ xưa thì tóc đã bạc màu. Xóm đã thành khu thị tứ sung túc nhà cửa dày đặc như phố. Con rộc thuở nào với hàng chùm đuông tím giờ chỉ còn là lạch nước nhỏ thâm sì lờ đờ trôi về cái Bến Be.

Truyện ngắn của Phước Hội

Xóm Hố chỉ có mỗi con đường cát trắng độc đạo chạy dài từ đầu xóm đến cuối xóm. Cắt ngang giữa là con rộc nhỏ chia xóm ra làm hai: xóm trên và xóm dưới.

Ban đầu thì xóm trên có vẻ thuận tiện hơn về mọi mặt do tiếp giáp với con đường đá nối từ Sở cao su Thanh Điền về tới khu thị tứ. Đi lại dễ dàng, có trường học, quán xá, có cả cái miếu thần linh thiêng mà người dân xóm Hố ngưỡng vọng nên dân xóm trên, nhất là bọn trẻ con có phần dương dương tự đắc.

Xóm dưới thì nằm ven cánh đồng bưng mênh mang kéo dài đến bờ con rạch hiền lành chảy qua Thị xã, vì vậy có vẻ quạnh hiu hơn. Nhưng xóm dưới lại được sở hữu một bến nước khá độc đáo, nơi tập trung những cây gỗ từ thượng nguồn kết bè thả về nên có tên gọi là Bến Be.

Từ đây, mấy chiếc xe cù với những chú trâu lực lưỡng đen bóng sẽ long sình kéo gỗ về khắp nơi trong tỉnh. Bến Be nước trong xanh, chỗ sâu nhất chỉ ngang bụng người lớn nên là điểm hấp dẫn của đám trẻ con tụ tập vào dịp hè. Lúc này, mấy đứa xóm dưới lại có dịp vênh váo với đám trẻ xóm trên. Cuộc “chiến tranh” lạnh có, nóng có tồn tại âm ỉ trong suốt một thời gian dài để lại biết bao kỷ niệm vui buồn cho một thời trẻ con hồn nhiên, vụng dại ngây ngô.

Thế rồi, cục diện xóm Hố đổi thay. Năm 1965, quân đội Mỹ cho làm con đường cắt ngang đám ruộng bưng xóm dưới, nối quốc lộ 22 với tỉnh lộ Thanh Điền - Thị xã lên đến căn cứ quân sự Trảng Lớn. Đó là con đường chiến lược dành cho những đoàn công-voa Mỹ vận chuyển vũ khí và hàng quân dụng đi khắp tỉnh phục vụ cho chiến trường.

Bến Be vô tình nằm cặp lộ, trở thành điểm tập trung thanh thiếu niên trong xóm mỗi khi có đoàn xe của Mỹ đi qua và đã có bao nhiêu chuyện bi hài xảy ra ở chỗ này. Đám trẻ con xóm dưới đương nhiên có dịp để lên mặt với bọn xóm trên, cát cứ một vùng rộng lớn. Lính Mỹ có vẻ thích cái trò lặn hụp của đám nhóc nên mỗi lần đi qua hay ném những hộp đồ ăn xuống cho bọn chúng giành nhau rồi cười khoái trá.

Nhiều khi “chiến lợi phẩm” thu được đã bị chọc thủng bằng dao găm, nước ngấm vào không ăn được, bọn nhóc lên bờ vạch quần đưa chim về bọn Mỹ chửi thề inh ỏi. Sư huynh và Tiểu muội không tham gia cuộc chơi ở Bến Be của đám nhóc trong xóm nhưng vẫn bị vạ lây.  

Nhà của Sư huynh và Tiểu muội nằm cuối xóm dưới. Sư huynh cùng hai người chị sống với ông bà ngoại trong căn nhà ngói ba gian rộng mênh mông. Vào thập niên 1960, ngôi nhà ông bà ngoại thuộc dạng “hoành tráng” trong cái xóm nhỏ thuộc vùng xôi đậu này, Sư huynh vẫn thường tự hào khoe như thế. Nhà Tiểu muội cách nhà Sư huynh một khoảng đất trống chuyên trồng đồ hàng bông.

Khi mùa lạnh liu riu về, đám bông cải thả cái màu vàng rừng rực trên những liếp đất hình chữ nhật người ta để dành lại lấy hạt cho mùa sau. Sư huynh ốm yếu, trắng trẻo như công tử thường bị “cấm cung” nên ít có bạn bè. Thế giới của Sư huynh co hẹp trong không gian đơn điệu từ trường học đến nhà.

Chỉ có khu vườn nhà ngoại là nơi Sư huynh thích nhất, ở đó có hoa trái, bướm ong đủ để thoả mãn cho cái tâm hồn mơ mộng viễn vông của mình. Dần dần rồi cũng chán. Nhiều lúc Sư huynh thèm thuồng nhìn đám trẻ con cùng lứa tung tăng chơi đùa, bày trò ở ngoài kia, trên cánh đồng ngút ngát trước nhà, hay ở cái Bến Be trong xanh đầy quyến rũ.

Một lần ngoại sai Sư huynh đem mớ mãng cầu ngon cuối vụ sang biếu hàng xóm, Sư huynh mới có dịp làm quen với Tiểu muội. Lúc đó, Tiểu muội đang ngồi cắn bút chăm chú giải bài tập toán ở nhà. Đầu bút in đầy dấu răng mà mấy con số cứ nhảy nhót loạn xạ.

Đón rổ mãng cầu trên tay Sư huynh, mẹ Tiểu muội không ngần ngại: “Sẵn dịp con chỉ giúp em bài toán giùm dì”. Tưởng gì, toán là môn sở trường của Sư huynh, mà toán lớp ba thì có nghĩa gì với cái trình độ lớp nhất, Sư huynh tự tin nghĩ. Ấy vậy mà phải mất cả giờ đồng hồ toát cả mồ hôi Tiểu muội mới nắm được bài. Thế là quen nhau. Tiểu muội mến cái vẻ hiền hậu, thư sinh của Sư huynh, ngược lại Sư huynh thích tính nết, hình dáng ngang phè như con trai nhưng bên trong ẩn chứa nét dịu dàng dễ thương đầy nữ tính của Tiểu muội.

Danh xưng Sư huynh và Tiểu muội bắt đầu từ cái hôm hai đứa say mê nghe trọn tuồng cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài từ chiếc radio của nhà Tiểu muội. Cái kết thúc bi thương của cuộc tình duyên trắc trở làm cả hai đứa rơi nước mắt. Vậy rồi không hiểu sao Tiểu muội nắm tay Sư huynh bảo: “Bắt đầu hôm nay anh là Sư huynh còn em là Tiểu muội nghen”. Cũng từ đó tình cảm huynh muội ngày càng khắng khít.

Vào một ngày hạ cuối cùng năm Sư huynh học hết cấp tiểu học. Bầu trời có những tảng mây xốp bồng bềnh trôi. Bóng Sư huynh và Tiểu muội vo tròn lại chuyển động song song trong cái nắng rừng rực lấp loá trên con đường cát trắng. Tiểu muội vai khoác cái cặp bàng đựng sách vở chung, Sư huynh thì tay cầm tàu lá chuối che ngang đầu hai đứa.

Con đường về nhà hôm nay bỗng dưng thật ngắn, lòng Sư huynh bồi hồi nghĩ đến mùa tựu trường niên học sau không còn được đi chung với Tiểu muội nữa. Sẽ nhớ lắm bao ngày nắng ngày mưa đường đến trường hai đứa có nhau. Nhớ những lần nắm tay nhau chạy ùa qua cây sấu cổ thụ giữa xóm vì sợ phải nghe tiếng ma ru con trên vòm cây như lời đồn đại.

Nhớ những lần ngồi đợi Tiểu muội ra lớp dưới hàng cây gòn bên hông trường thả hồn theo những cơn gió đang thổi bung mấy trái gòn chín thành từng chùm bông tuyết lơ thơ. Nhớ mùa lạnh hai đứa ngồi co ro bên đống lá un của bác tuỳ phái của trường, quần áo khét lẹt mùi khói.

Bất giác Sư huynh đi chậm lại khi rẽ qua con rộc quen thuộc. Những quả chùm đuông đầu mùa tím rịm chín mọng treo lúc lỉu trên cành trải dọc suốt bìa con rộc. Tiểu muội níu tay Sư huynh: “Chờ chút nhen”. Loáng một cái Tiểu muội đã đu mình kéo quặt một nhánh chùm đuông đầy trái. Tiếng cười tan loãng vào không gian trong trẻo ngăn ngắt của miền tuổi thơ, hàm răng hai đứa tím màu trái chín. Vừa lúc đó, “Đại ca” xóm trên xuất hiện.

-“Ê! Cái “thằng” con gái lại đực kia, ai cho mày hái chùm đuông xóm tao vậy?”. Tiểu muội tóc hớt cao, áo sơ mi con trai, tay chân lòng khòng, vai ngang ngang một cách bướng bỉnh lừ đừ tiến lại gần thằng “Đại ca”. “Mày kêu ai là lại đực”.

Chưa kịp nói thêm câu gì thì “Đại ca” đã nhận một cái tát như trời giáng nổ đom đóm mắt. Mặt “Đại ca” đỏ ửng lên rưng rưng xém khóc. Cả bọn kia lao vào Tiểu muội đánh tới tấp. Tiểu muội ngã ngửa trên mặt ruộng lắp xắp sình hai tay ôm mặt, chân co lại che ngực chống đỡ trận đòn thù. Sư huynh đứng ở ngoài thấy cảnh đó chịu không nổi hét lên một tiếng vớ được một khúc cây xông vào.

Sự sợ hãi thường ngày tan biến, máu anh hùng cứu mỹ nhân trào lên cuồn cuộn, Sư huynh tả xung hữu đột vung gậy “đả cẩu” như Cửu Chỉ Thần Cái bang chủ Cái bang múa loạn xạ. Cả bọn giạt ra, một tên dính đòn ở trán máu tuôn ướt mặt. Thấy máu, cả bọn mặt xanh như tàu chuối. Thằng bị thương khóc mếu máo ôm trán đòi về méc anh trai.

Đại ca xóm trên bứt mớ lá cây hôi nhai đắp lên trán thằng đàn em rồi chỉ tay về phía Sư huynh dằn giọng: “Mày nhớ nhen thằng ròm”. Tiểu muội nắm tay Sư huynh lúc này còn đứng thất thần kéo chạy băng con rộc cạn nước về nhà. Sình lép nhép dưới chân bắn tung lên lưng áo hai đứa. Mớ chùm đuông hái chưa kịp ăn nằm trong túi Tiểu muội giập nát loang đầy ngực.

Ôi cái màu tím của tuổi thơ thần tiên. Gần cả tháng trời hai đứa trốn mặt đám trẻ con xóm trên. Những ngày hè với hàng bao nhiêu là trò chơi hấp dẫn dần dần khoả lấp câu chuyện xung đột hôm nào.

Mải mê lần theo vạt rau chóc, rau dừa xanh mượt non mễu, Tiểu muội vượt sang bờ rộc phía lãnh địa của xóm trên lúc nào không hay. Đến khi ngẩng đầu nhìn lên đã thấy bọn xóm trên đứng chống nạnh trên bờ mặt ngênh ngang đầy thách thức.

“Đại ca” tay đang cầm mớ bông mít chấm muối ăn ngon lành hất mặt bảo mấy thắng đàn em: “Tịch thu cái rổ rau của nó cho tao”. Bọn em út chưa kịp thực hiện lệnh thì bỗng nhiên thấy “Đại ca” mắt trợn trắng hai tay cào một cách điên cuồng ở cổ họng, miệng ú ớ không nên lời. “Đại ca” bắt đầu lấy hơi lên, nước mắt chảy ròng ròng.

Cả bọn đàn em đứng như trời trồng nhìn mà chẳng biết phải làm gì. Đại ca đang bị mắc nghẹn vì ăn bông mít. Tiểu muội sực nhớ có lần gặp trường hợp như thế, bác tuỳ phái ở trường đã có cách xử lý rất hay. Không nói không rằng Tiểu muội nhanh chóng tiến gần tên “Đại ca” đẩy hắn cúi gập người lại, dang tay đấm phía sau lưng mấy cái thật mạnh. “Đại ca” hực lên một tiếng hả miệng phun ra mớ bông mít rồi hít lấy hít để không khí vào ngực. Sống rồi, “Đại ca” quệt nước mắt nước mũi ngồi bệt xuống đất thều thào nói câu cám ơn. Tiểu muội không nói tiếng nào, cặp rổ rau đi thẳng.

Sau sự kiện Tiểu muội cứu sống “Đại ca” xóm trên, mâu thuẫn giữa hai xóm hoàn toàn được xí xoá. Tiếng cười râm ran vui vẻ của đám trẻ con tràn ngập con xóm nghèo.

Năm đó, miếu thần xóm Hố cúng đáo hạn ba năm một lần nên tổ chức rất lớn. Bọn trẻ tha hồ ăn bánh trái, thịt quay, ban đêm còn được xem hát bội, múa mâm vàng, vui chơi thoả thích mấy ngày không phải đi học. Cũng trong những ngày tháng này tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng và lan rộng khắp nơi. Ban ngày lính cộng hoà lùng sục quần đảo trong xóm. Ban đêm là thời gian hoạt động của phe cách mạng. Truyền đơn, cờ xí đưa về cất giấu trong các nhà cơ sở cách mạng, có vẻ như sắp sửa xảy ra chuyện hệ trọng.

Tháng năm năm Mậu Thân 1968, một trận đánh ác liệt giữa quân giải phóng và lực lượng quân đội cộng hoà diễn ra tại xóm Hố. Mỹ đưa máy bay thả bom san bằng con xóm nhỏ hiền lành. Ngôi nhà ngói ba gian của ông ngoại Sư huynh cháy rụi, làng xóm tiêu điều. Sư huynh theo gia đình tản cư về xứ khác biền biệt từ đó không về lại xóm xưa.

* * *

 Gần 50 năm giang hồ lưu lạc. Ngày Sư huynh trở lại con xóm tuổi thơ xưa thì tóc đã bạc màu. Xóm đã thành khu thị tứ sung túc nhà cửa dày đặc như phố. Con rộc thuở nào với hàng chùm đuông tím giờ chỉ còn là lạch nước nhỏ thâm sì lờ đờ trôi về cái Bến Be. Chiều mưa nặng hạt, Sư huynh ngồi một mình nơi quán rượu của người quen cũ cất cạnh Bến Be.

Kỷ niệm xưa ùa về xen kẽ với câu chuyện kể của người chủ quán. Nghe đâu sau trận đánh Mậu Thân ít năm, mẹ Tiểu muội bị chính quyền Sài Gòn bắt vì là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, bà bị đày ra Côn Đảo rồi hy sinh ở đó. Tiểu muội bỏ học lao vào cuộc đời tìm kế sinh nhai nuôi hai đứa em nhỏ. Mải lo cho các em, Tiểu muội qua luôn cái tuổi xuân thì, duyên phận lỡ làng trắc trở.

Khi các em trưởng thành có cuộc sống riêng, Tiểu muội quy y tam bảo rồi xin vào một cơ sở từ thiện chăm sóc nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa của nhà chùa, hiến quãng thời gian còn lại cho Phật sự.

“Đại ca” xóm trên sau ngày đất nước giải phóng, đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam năm 1978. Sau này khi gặp lại Tiểu muội, Sư huynh mới biết “Đại ca” thầm thương Tiểu muội. Lá thư “Đại ca” nhét vội vào tay hôm lên đường nhập ngũ đến giờ Tiểu muội vẫn còn giữ.

Mưa nhạt nhoà kỷ niệm. Ký ức quay về chầm chậm lâng lâng như men rượu chiều đang nhẹ nhàng thấm vào người.  

P.H