BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày đầu nghỉ lễ: Nhiều trạm thu phí phải xả trạm 

Cập nhật ngày: 01/05/2022 - 13:46

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, lượng phương tiện lưu thông qua các cửa ngõ gia tăng đến mức nhiều người dân "mắc kẹt" cả tiếng đồng hồ trên các tuyến đường ra ngoại thành. Tại nhiều trạm thu phí, do phương tiện gia tăng đã dẫn tới ùn tắc… phải xả trạm.

Thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia, từ chiều 29 đến sáng 30/4, tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra tỉnh trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài do lưu lượng giao thông tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường vành đai 3, tuyến QL1 qua Đồng Nai, Ninh Bình-Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh đi Long Thành Giầu Dây, cửa ngõ đi về miền Đông, miền Tây… Đến chiều muộn ngày 30/4, nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn.

Từ 6h sáng 30/4, từng đoàn xe nối dài trước trạm thu phí Cao Bồ trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình.

Cụ thể hơn, sáng ngày 30/4, tại trạm thu phí nút giao Cao Bồ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã quá tải, lưu lượng xe tăng mạnh trên tuyến Cao Bồ - Mai Sơn khiến xe ùn ứ trên cả hai tuyến cao tốc nên đã phải xả trạm 52 phút, từ 8h02 đến 8h54. Từ trưa đến chiều tối, trạm đã thu phí trở lại.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC ) cho hay, lưu lượng giao thông trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình Bình bắt đầu tăng nhanh từ khoảng 6h sáng, với khoảng 65.000 - 75.000 lượt phương tiện đi trên tuyến. Do đó, đơn vi đã khuyến cáo người dân nên đi ra nút giao Đại Xuyên đi sang QL1A đi vào đường tránh thành phố phủ Lý (Hà Nam), tiếp theo đi vào đường tránh thành phố Ninh Bình ra Dốc Xây về Thanh Hóa.

Là đơn vị thu phí liên thông với Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thông tin thêm, từ 20h ngày 29/4, lưu lượng phương tiện có sự gia tăng đột biến, cao gấp 3 lần bình thường với khoảng 120.000 lượt. Tình trạng này kéo dài đến tận 1 giờ sáng ngày 30/4 mới chấm dứt. Điều này cho thấy quy luật di chuyển của người dân dịp lễ này đã thay đổi.

Nói về xả trạm thu phí, ông Oánh cho hay, trạm thu phí Pháp Vân là trạm đầu vào, không thu tiền, chỉ phát vé nên việc xả trạm không có nhiều ý nghĩa. Công ty tập trung tối đa nhân lực, điều tiết dòng phương tiện, mỗi xe qua trạm không quá 5 giây nên không có ùn tắc, phương tiện di chuyển chậm qua trạm.

Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, lưu lượng phương tiện tăng cao với khoảng 15.000 lượt trong sáng 30/4. VIDIFI đã tăng cường nhân lực đảm bảo phương tiện di chuyển bình thường. Hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động ổn định, xe không có thẻ được nhân viên trạm thu phí trực tiếp phát thẻ vé nên không xảy ra ùn tắc.

Trạm thu phí T3 trên quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải xả trạm khi lượng xe đổ về quá lớn.

Cùng ngày, đại diện Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) cho biết, từ sáng 30/4, lượng xe trên QL51 hướng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đi Vũng Tàu bắt đầu tăng cao đột biến gây kẹt xe nhiều kilômét. Trước tình trạng quá tải, trạm thu phí T2 phải xả trạm từ 8h30 đến 11h để đảm bảo lưu thông. Đến đầu giờ chiều giao thông trên QL51 đã thông thoáng hơn, các phương tiện lưu thông ổn định.

Tương tự, cũng trong ngày đầu nghỉ lễ, giao thông trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phà Cát Lái bị ùn tắc nghiêm trọng hướng TP Hồ Chí Minh - QL51 do xảy ra sự cố va chạm giao thông trên cầu Long Thành cùng lúc lượng xe tăng cao đột biến khiến giao thông kẹt cứng. Để giải tỏa phương tiện, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý cao tốc) đã xả trạm thu phí Long Phước (hướng từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng Nai) từ 5h45 cùng ngày.

Tai nạn giao thông gia tăng trong ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30-4

Trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 9 người. So với với cùng kỳ ngày 30/4/2021 tăng 5 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương. Trong đó đường bộ xảy ra 29 vụ làm chết 12 người, bị thương 9 người. Đường sắt, đường thủy không xảy ra vụ tai nạn nào.

Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 7.793 trường hợp, ra quyết định xử phạt hơn 12 tỷ đồng, tước GPLX, bằng chứng chỉ chuyên môn 883 trường hợp; tạm giữ 102 ôtô, 1.108 môtô và 15 phương tiện khác. Các lỗi vi phạm tập trung chủ yếu là nồng độ cồ 527 trường hợp, ma túy 6 trường hợp, chở hang quá tải trọng 198 trường hợp, chở quá số người quy định 115 trường hợp, vi phạm tốc độ 696 trường hợp….

Trong ngày 30/4, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhận được 6 cuộc gọi và tin nhắn của người dân về việc tăng giá vé, xe khách đi lòng vòng đón thêm khách và tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tịa một số tuyến đường. Ngay sau khi nhận được phản án, lãnh đạo Ủy ban ATGT đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản án.

Nguồn CAND