Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày đầu tăng viện phí: Người bệnh băn khoăn về quyền lợi
Thứ tư: 10:09 ngày 16/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bắt đầu từ 15-1, Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc chính thức có hiệu lực.

Sẽ có khoảng 1.900 dịch y tế điều chỉnh tăng giá bình quân 3,23%, cùng với đó, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh và ngày giường cũng tăng tới 11,1%. Việc điều chỉnh tăng giá trên đang khiến cho người bệnh lo lắng về gánh nặng chí phí khám chữa bệnh.

Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương.

Gánh nặng tăng từng ngày

Ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu tiên Thông tư số 39 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành, tại nhiều BV lớn ở Hà Nội và TPHCM hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Các bệnh viện đều không gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng giá viện phí mới. Tuy nhiên, giá viện phí tăng cao lại đang là nỗi lo lắng rất lớn của nhiều người bệnh.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (48 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đang điều trị ung bướu tại BV Chợ Rẫy hơn 1 năm nay, tiền viện phí mà anh Hoàng phải trả đã lên đến hàng trăm triệu đồng dù được hưởng BHYT đến 80%, nhưng khi biết viện phí tiếp tục tăng giá thì nỗi lo trong anh lại tăng lên gấp nhiều lần.

“Đợt trước tăng giá thuốc, đợt này tăng viện phí, nỗi lo cứ chồng nỗi lo, mỗi đợt điều trị tốn cả chục triệu đồng, xót lắm chứ. Nhưng bệnh mà, cố gắng được đến đâu thì cố gắng”, anh Hoàng nghẹn ngào nói.

Còn anh Phan Văn Cường (32 tuổi), đang nằm điều trị tại BV Nhân dân 115, băn khoăn: “Tôi có thẻ BHYT nhưng ít khi nào đi khám đúng tuyến vì tuyến dưới chất lượng khám chữa bệnh vẫn chưa cao, nhiều khi đi khám bệnh, lấy thuốc về uống cả tuần cũng chẳng đỡ nên tôi thường lên thẳng BV tuyến trên để khám cho yên tâm.

Nhưng bây giờ, tiền khám chữa bệnh, ngày giường nằm viện tăng cao thì quả thực là rất đáng lo với những người là công nhân, lương có vài triệu đồng một tháng như tôi mỗi khi đi viện... Đặc biệt, với những người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày thì các mức tăng dù 10% cũng là gánh nặng với gia đình họ”, anh Cường cho hay.

Bệnh nhân có BHYT lo một thì những người không mua BHYT còn lo gấp nhiều lần. Chị Nguyễn Thị Hà (ở Kim Bôi, Hòa Bình) bị tắc mạch vành phải lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị. Chị Hà cho biết: “Tôi buôn bán lặt vặt nên không nghĩ phải mua BHYT. Chỉ hơn 1 tháng nằm viện vừa qua đã tốn kém gần trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Giờ phải điều trị thêm thời gian nữa mà viện phí lại tăng tiếp thì quả rất khó khăn với tôi”.

Đảm bảo công bằng người tham gia BHYT

Trước việc giá nhiều loại dịch vụ y tế tiếp tục tăng cao, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết, Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc không thay đổi các yếu tố cấu thành giá khám chữa bệnh (chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản) mà điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng (từ tháng 7-2018).

Mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%. Tuy nhiên, thời điểm 15-1, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp giá cho hơn 1.900 dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới với nhóm không có thẻ BHYT hoặc sử dụng các dịch vụ không nằm trong danh mục được Quỹ BHYT chi trả.

“Với bệnh nhân có thẻ BHYT, mức điều chỉnh không quá lớn nhưng với những người tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh thì viện phí mới được tính đủ các chi phí trực tiếp và tính cả lương nhân viên y tế, chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng”, ông Liên nhận định.

Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cũng cho rằng, điều chỉnh giá viện phí lần này nhằm tạo sự bình đẳng, qua đó khuyến khích người dân tham gia BHYT. Bởi từ năm nay, mức tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được tính theo mức lương cơ sở hiện tại là 1.390.000 đồng/tháng.

Theo đó, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Trước việc giá viện phí lại tăng, đại diện một số bệnh viện cho biết cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền cho người bệnh hiểu rõ việc tăng giá viện phí lần này là điều chỉnh tăng theo bậc lương tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều tới người có thẻ BHYT thì bệnh viện cũng phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước nên dù viện phí có tăng hay không thì mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh luôn là vấn đề sống còn trong hoạt động của bệnh viện.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh