BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày đầu tiên thực hiện việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi xe máy điện, xe đạp điện: Còn nhiều người không chấp hành

Cập nhật ngày: 01/07/2009 - 06:34

Từ ngày 1.7, Luật Giao thông đường bộ (gồm 8 chương, 89 điều, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008) bắt đầu có hiệu lực, thay thế Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001.

Vẫn còn nhiều người đi xe đạp điện chưa đội mũ bảo hiểm, trong đó hầu hết là thiếu niên, học sinh

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2001, Luật Giao thông đường bộ mới đã sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế như quy định độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên xe môtô, gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi. Lái xe ôtô chở người (từ 10 đến 30 chỗ) được nâng độ tuổi từ 21 lên 24, lái xe ôtô trên 30 chỗ được tăng từ 25 tuổi lên 27 tuổi. Các loại giấy tờ mà người lái xe phải mang theo trên đường cũng tăng lên, cụ thể: phải có giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe (đối với người lái ôtô, môtô), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với người lái ôtô), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Người lái xe máy chuyên dùng còn phải mang theo giấy đăng ký xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dụng, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…

Luật cũng nghiêm cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đồng thời, cấm người lái môtô, xe máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở. Các hành vi đe doạ, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ… nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nặng.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn quy định rõ: Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị. Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi đi qua đường… Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn. Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Đi xe đạp, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm

Một điểm đáng chú ý khác là Luật Giao thông đường bộ mới bắt buộc: “Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Đây là điểm mới mà Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chưa quy định.

Sáng ngày 1.7, quan sát một số tuyến đường trên địa bàn Thị xã và huyện Hoà Thành, phóng viên ghi nhận như sau: Nhiều người đi xe đạp máy, xe đạp điện độ tuổi trung niên trở lên hầu hết chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, có khá nhiều người đi xe đạp máy, xe đạp điện ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên lại không đội mũ bão hiểm. Từ 7 giờ đến gần 8 giờ, vòng quanh nhiều tuyến đường, chúng tôi không thấy lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm này.

Chủ một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên phố Gia Long tỏ ra ngạc nhiên về thông tin Luật Giao thông đường bộ bắt buộc người ngồi xe đạp điện, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm. Ông này cho biết, vài tháng nay, cửa hàng của ông luôn trong tình trạng thưa thớt khách. Những ngày trước “giờ G”, tình trạng này cũng không có gì thay đổi, mặc dù giá nón bảo hiểm gần đây đã “xuống” đáng kể. Theo ông, có hai nguyên nhân: Số người biết thông tin về việc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe đạp điện, xe máy điện còn hạn chế. Thứ hai, nhiều gia đình đã có sẵn nón bảo hiểm nên không cần phải mua. Chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Học (Thị xã) cũng cho biết tình trạng tương tự. Như vậy, trước “giờ G”, không có tình trạng người tham gia giao thông đổ xô đi mua nón bảo hiểm như trước đây từng xảy ra khiến giá “nồi cơm điện” tăng vù vù.

HOÀNG THI


 
Liên kết hữu ích