BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương trên đất Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 13/04/2019 - 00:17

BTN - Kể từ năm Ất Mùi, 1955 khánh thành, ngôi Báo Quốc từ đã qua 64 lần lễ hội giỗ Quốc tổ Hùng Vương trên miền đất Tây Ninh, nơi cách núi Nghĩa Lĩnh có đền thờ và mộ tổ hơn 2.000 cây số.

Lân múa trên đại lộ Hùng Vương.

Ít nhất cũng có bốn nơi ở Tây Ninh mà tôi biết có bàn thờ Tổ Hùng Vương để nhân dân tới cúng kiếng vào ngày giỗ 10.3 âm lịch (năm nay là ngày 14.4.2019). Ba nơi là trong các ngôi đền thờ Đức thánh Trần (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) ở xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu (2 ngôi đền) và ở phường 3, TP Tây Ninh (1 ngôi đền). Tuy vậy, lễ giỗ Tổ được tổ chức tưng bừng, đông đảo nhất là ở Báo Quốc từ- một ngôi thờ tự của đạo Cao Đài Tây Ninh, nằm trên đại lộ Hùng Vương thuộc địa bàn thị trấn Hoà Thành.

Giao lộ Hùng Vương và Phạm Văn Đồng, phần đường trước công viên Hoà Thành được mở rộng ra như một quảng trường, ngôi Báo Quốc từ được đặt chính giữa quảng trường ấy, vừa là điểm nhấn kiến trúc cho cảnh quan đô thị, lại vừa như một tiểu đảo giao thông để xe cộ chạy vòng quanh. Vào ngày lễ hội, chung quanh ngôi đền được dựng thêm rạp đủ cho đông người đến lễ.

Ngôi đền nổi bật lên ba tầng mái ngói đỏ au, gờ mái hơi lượn cong với ba màu: trắng, vàng, xanh lá, như những điểm nhấn dịu mắt giữa ngày tháng tư oi ả nóng. Vậy nên, cho dù sau nhiều lần mở mang xây dựng, đường Hùng Vương đã có nhiều nhà cao năm đến bảy tầng nhưng vẫn không làm giảm đi hiệu ứng của điểm nhấn không gian kiến trúc này, dù công trình chỉ có một tầng với chiều cao khiêm tốn.

Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Tây Ninh chỉ diễn ra một buổi sáng ngày mùng 10.3 âm lịch. Tuy không đông quá mức như các dịp đại lễ Cao Đài mùng 9 tháng Giêng hay 15 tháng 8 (âl), không có các chức sắc tín đồ các tỉnh về tham dự nhưng ngày giỗ Tổ chỉ với nhân dân khu vực thị trấn và các xã trong huyện và thành phố liền kề cũng đủ làm nên một ngày lễ đông vui.

Có một điều khác lạ đây! Là không chỉ có người lớn mà rất đông trẻ nhỏ cũng theo cha mẹ đến xem lễ hội. Có lẽ đấy là do phần hội rất vui, nhiều màu sắc tưng bừng. Hội diễn ra từ sáng sớm với những màn múa lân đặc sắc. Vài năm trước đây thường có nhiều đội lân đến múa góp vui tạo nên quang cảnh thật náo nhiệt trên phần quảng trường trước đền thờ. Vài năm gần đây còn có những màn múa điệu nghệ của ngọc kỳ lân và trống Chhay-dăm nên lễ hội càng thu hút người đến dự, dù người lớn hay trẻ nhỏ.

Giữa những vòng người xúm xít chung quanh, các em thường được ba mẹ cõng kênh trên vai, ai nấy đều tươi cười rạng rỡ khi xem ngọc kỳ lân biểu diễn. Ngọc kỳ lân trắng muốt như bông, xanh ngời như biển, mắt rất to, long lanh kỳ ngộ. Lại thêm những chi tiết điểm trang đỏ rực hoặc vàng tươi. Nếu múa lân thì biết ngay là người bên trong nhảy múa, nhưng ở ngọc kỳ lân thì phải chăm chú coi cho kỹ.

Bởi linh vật này được sáng chế tinh xảo, mỗi bước đi hay nhảy múa đều tự nhiên như một sinh vật sống động lạ kỳ. Bởi thế mới có cảnh đợi cho kỳ lân nghỉ mệt, các em mới ùa vào sờ tận tay từng bộ phận để khám phá ngọc kỳ lân. Tiện lúc, các chú, các anh của đội trống Chhay-dăm chờ đến lượt mình diễn thì các em cũng vào gõ thử trống Chhay-dăm cho biết. Con trẻ vui thì người lớn cũng vui theo.

Lãnh đạo huyện Hòa Thành dâng hoa lên bàn thờ tổ.

Cũng không mấy ai nhớ đội trống Chhay-dăm tham dự lễ hội giỗ Quốc tổ tự khi nào, chỉ biết rằng sau khi tiết mục múa trống riêng có ở Tây Ninh này đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Và, nghi lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương cũng đã được UNESCO công nhận là di sản của toàn nhân loại. Vậy là hợp lẽ quá đi rồi.

Khởi đầu lễ dâng cúng lên bàn thờ Quốc tổ là màn quỳ lạy của ngọc kỳ lân và tốp múa trống Chhay-dăm. Sau đó, cả hai sẽ quay ra trình diễn trước quan khách đã an toạ trong ngôi nhà rạp. Dù ai đã xem những tiết mục này ở đâu đó, nhưng vẫn không chán mắt. Bởi những thăng hoa khác thường của các nghệ sĩ dân gian, khiến cho mỗi bước chân, điệu múa dường như tươi mới, tung tẩy hơn… trong một không gian tràn ngập những âm thanh, màu sắc và hương vị gợi nhớ về cội nguồn dân tộc.

Để có được ngày lễ hội long trọng này, rất nhiều người đã chung tay lo chuẩn bị trong và ngoài ngôi Báo Quốc từ từ chiều hôm trước. Người trưng bày quả phẩm, nến đèn trên các ban thờ, người lo sắp xếp những mâm bánh, trái dâng lên. Ngay cả những món quả phẩm này, cũng mỗi năm mỗi khác. Bánh trái các loại, thường khi là bánh tét, bánh ú và bánh ít; rồi các loại bánh in, bánh pía, bánh bò…

Có năm còn có cả bánh chưng do một tổ nghi lễ nào đó cầu kỳ chuẩn bị. Thì kho tàng chuyện cổ dân gian chẳng có sự tích bánh chưng, bánh dày của hoàng tử Lang Liêu đó sao. Mà bánh chưng các bà, các chị Tây Ninh gói cũng xinh và khéo lắm. Không lớn như bánh chưng miền Bắc, bánh chưng dâng cúng ở đây là bánh chưng chay, cũng rất vuông vức và nhỏ chừng một tấc mỗi chiều. Tháng tư đang mùa nhiều loại trái ngon nên mâm cúng cũng đầy ắp những cam, táo, đu đủ, mãng cầu, nhưng nhiều nhất vẫn là xoài căng tròn, vàng ửng.

Khoảng 9 giờ, khi các quan khách huyện Hoà Thành đã làm lễ dâng hương lên trước bàn thờ Quốc tổ và đài Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ thì dàn nhạc lễ cất lời. Đây cũng là dàn nhạc lễ đông đảo nhất. Học trò lễ mũ cao, áo dài đỏ thắm. Đồng nhi áo dài trắng đứng khoanh tay. Tất cả sẵn sàng cho nghi lễ quan trọng nhất là lễ tế điện. Lần lượt dâng phẩm vật cúng lên Quốc tổ Hùng Vương.

Thì cũng là hương, đăng, trà, quả như trong các lễ hội Kỳ yên ở các đình làng. Từ bàn hội đồng chuẩn bị lễ vật, tiến vào ngôi chính điện. Các học trò lễ làm nhiệm vụ này phải khuỳnh tay cung kính nâng từng vật phẩm lên ngang mặt. Chân khuỵu, chân co cao đầu gối bước lên, sao cho thật khoan thai giữa âm thanh nhạc lễ bổng trầm. Tiếng đồng nhi xướng kinh cầu nguyện, ngân nga…

Tất cả đã hoà quyện vào nhau làm nên một không gian rực rỡ sắc màu thường thấy ở các ngày đại lễ tôn giáo. Nhưng lại có vẻ gì như bình dị, thân thương từng thấy trong lễ hội các miền quê. Có phải đó là do ngày lễ hội giỗ tổ này vẫn luôn thắm đượm các bản sắc văn hoá dân gian truyền thống?

Dàn nhạc lễ.

Kể từ năm Ất Mùi, 1955 khánh thành, ngôi Báo Quốc từ đã qua 64 lần lễ hội giỗ Quốc tổ Hùng Vương trên miền đất Tây Ninh, nơi cách núi Nghĩa Lĩnh có đền thờ và mộ tổ hơn 2.000 cây số. Con đường trục chạy bao quanh ngôi Báo Quốc từ nay cũng được đặt tên là đại lộ Hùng Vương. Đại lộ này nối Toà thánh Tây Ninh đến chợ Long Hoa, chính là trục trung tâm của đô thị Hoà Thành đang mỗi ngày một khang trang hơn, theo hướng trở thành đô thị cấp IV mà huyện Hoà Thành hướng đến.

Sáu mươi mấy năm biết bao thăng trầm, nhưng ngôi đền Báo Quốc từ vẫn như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến biết bao sự đổi thay trên vùng đất đông người có đạo nhất ở Tây Ninh. Và ngược lại, con người ở vùng đất này cũng coi ngôi đền thờ Quốc tổ là chốn tâm linh, ngưỡng vọng mỗi ngày để luôn nhớ về nguồn cội con Lạc, cháu Hồng. Không phải vô tình đâu mà ngôi đền ấy có 6 mặt, với 3 tầng mái ngói.

Để có được mười tám tấm mái kia lúc nào cũng rực rỡ đỏ tươi tượng trưng cho 18 đời vua Hùng trong lịch sử và huyền thoại. Để mỗi tháng ba về, người xứ đạo lại trở về ngưỡng vọng tổ tiên, như một câu ca dao nhiều người đã thuộc lòng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng ba”.

Ghi chép: Nguyễn Quốc Việt