Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày lễ tri ân đặc biệt của cựu học sinh Trường Khiếm thị 

Cập nhật ngày: 19/11/2022 - 00:36

BTN - Rất nhiều những học sinh Trường khiếm thị đều cùng câu nói: “Nếu không được vào trường, giờ này không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao”.

Ảnh kỷ niệm trong lần họp mặt nhân ngày Tết Nhà giáo của nhóm.

Gần 5 năm, có một lễ tri ân đặc biệt được những cựu học sinh Trường Khiếm thị dành gửi đến những cựu giáo viên, nhân viên của trường. Hằng năm, dù xa hay gần, nhiều cựu học sinh của trường cùng tề tựu cùng tri ân những thầy cô của mình nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam; cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.

Có những kỷ niệm…

Những ngày giữa tháng 11, bà Lê Thị Ngọc Phượng, 64 tuổi, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành lại nôn nao, mong chờ. Bà Phượng chia sẻ, khi nhận được lời mời của nhóm học sinh cũ tham dự buổi họp mặt sắp tới, bà chọn bộ đồ đẹp nhất để mặc đi dự họp mặt. “Lâu mới có dịp đi gặp các em học sinh cũ, đồng nghiệp cũ, tôi cũng muốn ăn mặc đẹp một chút”. Ðó là suy nghĩ, tình cảm mộc mạc mà các cô và trò của Trường Khiếm thị (nay là Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị) dành cho nhau. Luôn giản dị và sâu sắc, với họ, tất cả như người nhà.

Những ngày này, bà Phượng lại mang những chậu hoa được chính tay những học sinh tại trường kết tặng ngày bà về hưu ra, hết ngắm lại lau chùi. Với bà, chậu hoa là tình cảm và kỷ niệm bà luôn trân quý.

Bà Phượng tâm sự về nghề, về những học trò mình từng nuôi dạy. Bà nhớ ngày tỉnh mở trường mình đã không ngần ngại nộp đơn. “Lúc đó xuất phát từ tình thương với các cháu mà tôi xin vào làm việc. Rồi cũng trải qua 14 năm vui buồn để nhìn nhiều lứa học sinh đến và rời trường”.

Với bà Phượng, điều hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy các cháu lớn lên, thành đạt và tự lập. Ðó là thành quả của sự dày công, tận tuỵ của bà cùng những đồng nghiệp.

Ðầy cảm xúc tự hào, bà Phượng chia sẻ: “Nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi về trường trong các lễ kỷ niệm, được nhìn lại những hình ảnh của các em từ lúc mới vào trường còn thơ dại, rồi hôm nay có nhiều em trưởng thành, có công việc, cuộc sống ổn định, thành đạt, với tôi đó là niềm vui khó tả thành lời”.

14 năm gắn bó với Trường Khiếm thị, bà Phượng nhớ từng tên học trò, từng tính cách và những trò nghịch ngợm vô tư. Tất cả đã theo bà và trở thành những kỷ niệp khó quên. Bà nói: “Dù các em có khiếm khuyết, nhưng tôi và đồng nghiệp luôn hy vọng và tin vào sự nỗ lực, phấn đấu của các em để có tương lai tốt đẹp”.

Là tình cảm chân thành…      

Xuất phát từ lòng biết ơn thầy, cô từng nuôi dạy mình, năm 2017, anh Phan Văn Phúc- Chủ tịch Hội Người mù tỉnh đề xuất một buổi họp mặt để gặp gỡ, tri ân thầy cô giáo đã về hưu tại trường. Ý tưởng của anh được nhiều bạn hưởng ứng. Anh Phúc kể lại, chỉ liên lạc qua điện thoại, anh tập hợp được hơn 10 bạn cùng tham gia buổi tiệc nhỏ cùng thầy, cô giáo đã nghỉ hưu nhân ngày 20.11. Ðó được xem là một dấu mốc quan trọng. Buổi lễ không có quà, chỉ ít hoa nhưng đầy tình cảm với những lời chúc mừng, sự quan tâm thăm hỏi nhau của thầy và trò, những người đã từng gắn bó nhiều năm tại trường. Anh Phúc chia sẻ: “Xuất phát từ ý nghĩ muốn tổ chức để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho các cô, thầy đã về hưu trong ngày Tết nhà giáo. Và chúng tôi duy trì tổ chức họp mặt thầy cô nhân ngày Nhà giáo từ đó đến nay, ngày càng có nhiều bạn hưởng ứng. Tôi thấy rất vui vì điều này”.

Anh Phúc cho biết thêm: “Hiện nay, mỗi người trong chúng tôi có cuộc sống, có một nghề, đó là nhờ công lao của những thầy, cô đã dạy dỗ mình tại mái trường mến yêu đó. Và các bạn đã cảm nhận được những điều đó nên muốn tạo niềm vui cho các cô, thầy lúc đã tuổi già”.

Ðể tiện liên lạc, anh Phúc lập ra nhóm Zalo tập hợp khoảng 60 người là cựu học sinh, giáo viên của trường cùng tham gia. Nhóm có tên gọi “Trường Khiếm thị mãi mãi bên nhau”. Nhóm là nơi chia sẻ thông tin, hình ảnh kỷ niệm. Bên cạnh đó, để các thành viên nắm bắt được thông tin về cuộc sống của nhau, kịp thời giúp đỡ khi bệnh đau, khó khăn. Theo anh Phúc, qua thông tin trên nhóm, các thành viên thăm hỏi sức khoẻ các cô, thầy khi bệnh đau; quyên góp giúp đỡ bạn bè khi gặp cảnh khó khăn.

Ngày Nhà giáo 20.11, nhóm thông báo tình hình tổ chức họp mặt. Tất cả đều rất háo hức. “Một năm bị gián đoạn do dịch bệnh, nên năm nay các bạn rất hào hứng tham gia họp mặt. Năm nay, chúng tôi cố gắng mời 10 thầy cô đến tham dự cùng”- anh Phúc nói. 

 Là người có mặt đủ trong các buổi họp mặt kể từ lúc tổ chức đến nay, cô Phượng chia sẻ: “Tôi rất cảm động vì sự chu đáo, tận tâm của các em dành cho chúng tôi tại các buổi lễ họp mặt ý nghĩa. Tự hào về những tình cảm này, dù đã ra khỏi cổng tường nhưng các em vẫn luôn hướng về thầy cô”.

Những lời tri ân

Chị Lê Thị Nhung, 33 tuổi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu- Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Châu luôn biết ơn các thầy cô tại trường đã dạy mình. Chị Nhung được đến trường, được học lên đại học, đi dạy rồi học nghề và hiện tại làm công tác Hội. Những việc mà cách đây hơn 20 năm, cô bé 10 tuổi và gia đình không bao giờ nghĩ tới do mặc cảm.

Chị Nhung bồi hồi nói: “Tôi ở trường gần chục năm, gắn bó với bạn bè, thầy cô, tất cả như một gia đình”. Chính vì vậy, dù ở xa hay gần, bận việc hay không, cứ đến ngày 20.11 là chị Nhung về họp mặt để được thăm lại bạn bè, chúc mừng các thầy cô.

Chị bày tỏ: “Nếu không được đi học, chắc chúng tôi cũng giống như các cô chú lớn tuổi hơn chỉ quanh quẩn ở nhà, phải nhờ hỗ trợ chứ không tự lập được. Vì vậy, tôi luôn biết ơn và kính yêu những thầy, cô đã từng dạy dỗ mình”.

Nhóm giúp đỡ một gia đình cựu học sinh gặp khó khăn.

Chị Phan Thị Thuý Ái, 35 tuổi, ngụ xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành cho biết, nhờ đến trường mà chị được học chữ, học nghề và có việc làm, lập gia đình và có được những thứ mà nhiều người bình thường vẫn đang phấn đấu. Chị chia sẻ: “Vào trường, tôi được các cô dạy chữ, kỹ năng, nghề, nhờ đó mà thay đổi cuộc sống của mình. Nếu không vào trường thì tôi sẽ không có hạnh phúc như hiện tại. Tôi luôn mang trong lòng sự biết ơn và trân trọng những tình cảm này”.

Anh Nguyễn Văn Long, 27 tuổi, ngụ xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết: “Nếu ngày đó không vào trường, bây giờ có lẽ tôi vẫn đang ở nhà loay hoay không biết làm gì hoặc đi bán vé số”. Anh Long nói, ngày còn ở gia đình, thương cảnh mình khiếm thị, gia đình luôn bao bọc vì nghĩ anh sẽ không làm được gì. Nhưng khi vào trường anh có thể tự lập, mọi sinh hoạt đều tự mình làm. Ðến giờ, anh Long có thể tự hào với bản thân về công việc có thể kiếm ra tiền, năng động tham gia công tác Hội Người mù ở huyện. Anh Long chia sẻ: “Vào trường như là dấu mốc quan trọng giúp tôi thay đổi cuộc sống của mình. Vì vậy, tôi luôn biết ơn thầy, cô luôn dành những tình cảm yêu thương và trân trọng”.

Với nhiều học trò Trường Khiếm thị dù đã thành đạt hay không, nhưng ngày Nhà giáo 20.11, họ đều tề tựu, cùng nhau hát ca, nói lời chúc mừng. Ðược nghe tiếng cười rộn rã, giòn tan của thầy, cô và các bạn là một niềm vui, hạnh phúc lớn.

Vi Xuân