Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Ngày mất điện
Thứ sáu: 00:48 ngày 15/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đã lâu lắm, phố tôi mới có một ngày mất điện. Theo thông báo thì sẽ “cúp” trong 10 giờ, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ. Được một cái là đúng ngày chủ nhật, nên các gia đình cũng dễ ứng phó.

Các bà chủ nhà tính hoặc mua cơm hộp hoặc là chuyển sang nấu miến, nấu mì… Vừa giản tiện lại vừa lạ miệng- ai thích gì chiều nấy, chả hơn ư?

Vậy là mất điện từ sáng. Cả trong nhà ở và không gian phố bỗng yên tĩnh hẳn. Không còn tiếng tivi, hay tiếng loa đài. Chỉ còn rộ lên tiếng động cơ và còi xe máy. Đôi khi, là ầm ì tiếng xe ca, xe tải chạy qua.

Phố vẫn còn giãn cách xã hội do Covid- 19, dù nới lỏng ít nhiều. Quán ăn, cà phê đã tưng bừng trở lại, nhất là những quán to rộng rãi sân vườn. Nhưng, thói quen mới: không nên đến nhà ai chơi; cũng chẳng nên tiếp đón ai. Vì thế, cuối cùng vẫn là cứ phải vào ra trong nhà của mình thôi. Buồn bực.

Giở báo ra đọc. Toàn những tin bài về Covid. Tìm sách. Thì sách cũ giấy đen xì, đọc vài trang đã mỏi mắt. Vặn radio. Đã lâu không xài nên dò sóng cứ kêu rẹt rẹt. Qua sóng FM mới tìm được đài Tây Ninh.

Cũng nghe được các tin, bài phòng, chống Covid, trong đó có bài biểu dương anh Nguyễn Hồng Ngọc ở Tân Châu. Vợ anh ở ngành Y nên đã ra tuyến đầu chống dịch. Anh cũng tình nguyện lái xe cấp cứu chuyên chở bệnh nhân.

Suốt mấy tháng ròng, xong việc họ không dám về nhà riêng mà phải đi thuê nhà trọ. Họ là một trong muôn ngàn những nét đẹp hy sinh trong công cuộc toàn dân chống dịch những ngày qua. Trước những gương như thế, ai mà nỡ kêu ca than khổ vì một ngày mất điện.

Ngó ra đầu phố, thấy bóng các anh công nhân điện áo màu cam chót vót trên đầu cần cẩu. Họ đang chăm chú soi xét từng đầu dây, mối nhợ lòng thòng. Các tủ biến áp được mở toang. Chắc các anh đang bảo dưỡng định kỳ hệ thống.

Sau gần 3 tháng căng thẳng, tất cả các ngành phải gồng mình lên chống dịch. Nhất là ngành Điện phải bảo đảm dòng điện liên tục cho các cơ sở cách ly và bệnh viện. Nới lỏng rồi, thì hẳn là phải bảo dưỡng kỹ càng thôi. Để tiếp tục cho những ngày tới công nghiệp, sản xuất kinh doanh trở lại.

Mất điện! Nhưng may mà gặp ngày trời mát. Cả ngày trời cứ âm u, chợt nắng chợt mưa như thể ngày ngâu. Gió trời cứ mát như được quạt hầu. Mở cánh cửa đón gió ra là ngủ tốt. Buổi chiều trôi qua nhanh hơn, và tận hưởng cảm giác chỉ vài giờ nữa thôi là… có điện.

Vậy mà 17 giờ đã qua lâu vẫn chẳng thấy điện đâu. Ngó đầu phố thấy chiếc xe cẩu và những bóng áo màu cam vẫn còn lúi húi. Có lẽ các anh vẫn còn chưa xong, phải kiểm tra kỹ ở công đoạn cuối.

Người ở mặt phố đã túa ra hè đường, ngóng đợi. Tôi từ trong hẻm cũng ra xem phố thế nào. Thì phát hiện một hoàng hôn tuyệt đẹp phía chân trời. Ô hay, trước nay muốn ngắm hoàng hôn tôi cứ phải ra bờ rạch Tây Ninh, ở một nơi chỉ có dứa dại, bình bát… và những người câu cá. Nào hay, nhờ một ngày mất điện mà tôi được thấy hoàng hôn từ hè đường Lê Lợi. Đoạn phố chỉ có một nhà cao 5 tầng là khách sạn Đông Phương.

Thì lúc này đây, các tầng cao của khách sạn được nhuộm hồng bởi ánh sáng một chân trời hoàng hôn phản chiếu. Hàng cây dầu thẫm đen. Phố cũng chuyển dần sang tối. Dòng xe máy chạy trên đường đã phải bật đèn. Đang là lúc trở về nhà sau một ngày làm ăn cặm cụi. Có phải ai cũng được nghỉ ở nhà ngày chủ nhật như mình đâu. Như người ta nói:- Ráo mồ hôi là tiền cũng hết. Vậy thì vẫn có một bộ phận người phải làm lụng bất cứ ngày nào.

Dù có thể chẳng mấy người trên đường để ý, nhưng hoàng hôn phố vẫn hiện lên rực rỡ phía trời tây. Bằng những bức tường cao nhuốm hồng. Bằng những đụn mây trắng, xám cứ ùn lên như núi. Và ngay cạnh đấy, là cả một khoảng trời rực rỡ như được dát vàng. Người xưa quen gọi ánh sáng này là ráng.

Tục ngữ có câu “Ráng vàng thì nắng/ Ráng trắng thì mưa”. Vậy là mai trời chắc nắng. Còn một gam màu nữa, là đỏ bầm ở khoảng giữa các đụn mây và khoảng trời chan chứa ráng vàng. Chỗ ấy là ở cuối đường phía bên kia sông. Có phải chính là nơi mặt trời vừa lặn xuống?

Từ nay, những “kẻ nghiện chân trời” (thơ Nguyễn Bình Phương) còn có thêm lưu ảnh Hoàng hôn phố trong bộ sưu tập Hoàng hôn. Trong ấy là những hoàng hôn xao xác cánh chim trời, là hoàng hôn có những bóng người cắm cúi trên cánh đồng nước nổi… Lại có cảnh hoàng hôn đỏ rực bời bời như một “hoả diệm sơn” trước ngày mưa bão… Và hôm nay là một hoàng hôn tất tả những dòng xe giữa phố không đèn.

Nhưng kìa, một tiếng ồ râm ran dọc phố. Có điện rồi, nhiều tiếng thốt lên. Đã hơn 18 giờ. Phố bừng sáng. Hoàng hôn kia biến mất.

NGUYỄN

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục