Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhân dân Tây Ninh không thể nào quên đêm 24 rạng 25.9.1977, cuộc chiến tranh phá hoại biên giới Tây Nam nước ta bắt đầu bằng nhiều hình thức giết người man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt – Iêng sari. Với chủ trương “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”, chúng không bỏ sót bất kỳ vật gì, không tha bất kỳ ai chúng nhìn thấy, dù đó là người già, phụ nữ, trẻ em hay mái nhà, cây cối. 37 năm trôi qua nhưng đến ngày 25.9 hằng năm, mọi người đều xót xa nhớ về ngày đau thương ấy.
|
Bia chứng tích tội ác Khmer Đỏ tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Năm 1975, đất nước ta và nước láng giềng Campuchia hoàn toàn giải phóng. Tuy trước đó là những người đồng chí chung chiến hào chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng sau ngày 17.4.1975 (ngày Campuchia giải phóng), tập đoàn Pôn Pốt – Iêng sari đã tỏ ra có thái độ thù địch với chúng ta.
Tuy chúng chưa chính thức gây chiến nhưng cũng đã có những hành động doạ dẫm hoặc đánh lén nhỏ lẻ suốt dải đất biên giới Tây Nam. Trước tình hình đó, tỉnh chủ trương di dời hàng vạn cư dân sát biên giới sơ tán vào trong nội địa, nhưng đi được một thời gian, thấy tình hình có vẻ yên ổn, nhiều người lại tìm về, lại trồng trọt, chăn nuôi xây dựng cuộc sống trên mảnh đất quê hương.
Bất ngờ, vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 25.9.1977, đúng vào dịp người dân Việt Nam vui Tết Trung thu, quân Khmer Đỏ của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng sari mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Chỉ riêng Tây Ninh, chúng đã tấn công trên một đoạn biên giới dài hàng trăm km, sâu vào nội địa tỉnh nhà trên dưới 10km, trong phạm vi 7 xã thuộc 3 huyện Tân Biên, Châu Thành và Bến Cầu.
Chúng đốt phá nhà cửa, trường học, cướp của, tàn sát đồng bào ta rất dã man. Trong đó, xã Tân Lập, huyện Tân Biên là nơi chúng tập trung đánh phá nặng nề, ác liệt nhất. Chúng tổ chức thành 9 mũi lén lút tấn công đốt phá, bắn giết đồng bào ta tại các ấp Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thạnh, Bảy Bàu và Chàng Riệc của xã Tân Lập.
Sau đêm kinh hoàng 25.9.1977, ở những địa phương bị quân Pôn Pốt thảm sát chỉ còn một số ít dân chúng sống sót, gồng gánh chạy loạn. Khi các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đến đây, những người sống sót bàng hoàng kể lại, bọn ác thú đã sử dụng các loại vũ khí từ đao, búa, chĩa đến các loại súng, lựu đạn… để tàn sát người dân.
Hành động của chúng vô cùng man rợ như thời trung cổ: chặt đầu, chặt tay chân, chặt người ra nhiều khúc, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, đập đầu, hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng phụ nữ có thai, cắt cổ lấy máu, rạch miệng, ném xác người xuống giếng, chôn sống, nhiều gia đình, nhiều hầm trú ẩn 16, 17 người bị tàn sát tập thể… đã có tới 592 người dân vô tội ở Tân Lập bị chúng sát hại.
Những thi thể đẫm máu nằm la liệt, chồng chất khắp nơi. Những đám cháy chưa tắt hẳn bốc lên mùi thịt người khét lẹt. Tại Trường tiểu học Tân Thành, hiện trường vụ thảm sát vẫn còn nguyên, xác 11 thầy cô giáo trẻ bị lính Khmer Đỏ sát hại nằm chồng lên nhau dưới một cái giếng.
Khi đến giúp dân khắc phục hậu quả chiến tranh, bộ đội ta như còn nghe thấy đâu đây tiếng kêu gào thảm thiết của những thầy cô giáo tuổi vừa đôi mươi, tất cả còn độc thân, có người còn chưa có người yêu. Họ chết mà không kịp nói lời cuối cùng với bạn bè, người thân, chết mà không biết vì sao mình chết vì tai hoạ ập đến quá bất ngờ. Làm sao biết được họ đã đau đớn đến thế nào khi bị cuốc bổ, dao đâm? Làm sao biết được nỗi xót xa của họ khi tận mắt nhìn thấy những người thân yêu của mình bị hành quyết trước khi đến lượt chính mình? Tiếng khóc đau thương, nỗi căm hờn và uất hận của những người còn sống sót thấu tận trời xanh, tội ác này “trời không dung, đất không tha”, bọn diệt chủng phải đền tội để những người bị chúng tàn sát yên lòng nơi chín suối.
Nhận được tin dữ, bộ đội Sư đoàn 9 và nhiều đơn vị thuộc Quân đoàn 4, Quân khu 7 cấp tốc hành quân về Tân Lập. Chỉ trong vòng 2 ngày, bộ đội ta đã đánh bật quân Khmer Đỏ ra khỏi biên giới Tây Nam, trả lại sự bình yên cho người dân Tây Ninh vùng biên giới.
Cũng trong những ngày đau thương ấy, đoàn viên thanh niên các địa phương trong tỉnh Tây Ninh hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn đã lên đường đến những nơi bị bọn diệt chủng tàn sát để tìm, mai táng xác người chết, giúp dân dựng lại nhà…
Sau đó họ tiếp tục ở lại biên giới trong đội ngũ Tổng đội Thanh niên xung phong Tây Ninh vừa được thành lập để phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và đời sống.
Ngày nay, trên nền ngôi Trường tiểu học Tân Thành, nơi 11 thầy cô giáo trẻ bị sát hại được chọn làm nơi lập Bia chứng tích, ghi lại tội ác của quân Khmer Đỏ đối với nhân dân Tây Ninh. Bia chứng tích là lời nhắc nhở tha thiết nhất để hậu thế biến đau thương thành sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
DUY ĐỨC