Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ 12 đến 14-5-1981 Việt Nam được Hội nghị BCH Hội đồng tương trợ kinh tế họp kỳ thứ 99 thông qua những biện pháp đặc biệt kể cả trong lĩnh vực KHKT nhằm nhanh chóng phát triển và nâng cao hiệu qủa nền kinh tế quốc dân. Các nước thành viên sẽ hợp tác về kinh tế khoa học và kỹ thuật với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, địa chất, vận tải, khí tượng, y tế, trang bị cho các viện và các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và nâng cao trình độ khoa học và kỹ thuật.
* Võ tướng Tôn Thất Thuyết sinh ngày này 11-5-1839 ở thành phố Huế và từ trần năm 1913.
Năm 1881, ông là Thượng thư Bộ Binh, rồi làm Phụ chính đại thần sau khi vua Tự Đức qua đời. Trong triều đình có nhiều quan chủ hoà, nhưng Tôn Thất Thuyết kiên quyết chủ chiến với thực dân Pháp. Đêm 4-7-1885, quân ta tấn công doanh trại của Pháp ở Huế nhưng vũ khí quá thô sơ nên không thành công.
Tôn Thất Thuyết phải đưa Vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, phát động phong trào Cần Vương chống Pháp. Nhiều văn thân ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã hưởng ứng lời chiếu của nhà vua. Tôn Thất Thuyết là linh hồn, là vị chỉ huy của phong trào ấy. Hai con trai của ông là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp đều là tướng bảo vệ vua Hàm Nghi và đã hy sinh khi chống lại bọn phản bội.
* Ngày này năm 1875, Nguyễn Hữu Huân bị thực dân Pháp xử chém. Ông cắn lưỡi tự tử tại pháp trường, không để chúng hành quyết.
Ông sinh năm 1834 ở tỉnh Tiền Giang, người đương thời thường gọi là Thủ Khoa Huân. Ông làm giáo thụ, khi quân Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông đã hai lần tổ chức khởi nghĩa ở Tân An và Mỹ Tho, ba lần bị giặc bắt, cả bị đi đầy ở đảo Réunion và bị dụ hàng, nhưng ông vẫn bất khuất.
Thơ ông còn truyền tụng nhiều, và tên ông dược đặt cho một đường phố của Hà Nội.
* Ngày 12-5-1917 là ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Tuấn Linh bút danh Thâm Tâm, quê ở tỉnh Hải Dương.
Nhà nghèo, học hết bậc tiểu học, ông bỏ đi làm. Từ năm 1938 ông cùng gia đình sống ở Hà Nội, vẽ tranh và sáng tác văn học. Ông viết nhiều nhất ở các báo "Tiểu thuyết thứ bảy", "Truyền bá", "Phổ thông bán nguyệt san".
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Hội Văn nghệ cứu quốc, khi toàn quốc kháng chiến ông vào bộ đội, làm thư ký toà soạn báo Vệ quốc quân.
Thơ ông được tán thưởng nhiều qua các bài "Thánh ca", "Vọng nhân hành", "Chiều mưa đường số 5", "Tống biệt hành"... Năm 1950 ông tham dự chiến dịch Cao Lạng, và hy sinh trên đường hành quân vào ngày 18-8-1950, khi đó ông mới 33 tuổi. Sự hy sinh của ông đã để lại nhiều thương tiếc cho nhân dân và đồng đội.
* Ngày 12-5-1967, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh.
Người viết:
"Bác rất vui lòng được tin Vĩnh Linh đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, Vĩnh Linh còn bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và trừng trị đích đáng pháo binh Mỹ. Sản xuất và phòng không của Vĩnh Linh cũng tốt.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác gửi lời khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Vĩnh Linh đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi vẻ vang".
Từ tháng 8-1964 đến hết năm 1972, quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi 284 máy bay Mỹ.
Thế giới
* Tại Matxcơva ngày 12-5-1975, đại diện Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết ký "hiệp định về việc Liên Xô viện trợ khẩn cấp không hoàn lại cho Việt Nam" để giúp nhân dân ta ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất. Theo hiệp định này, Liên Xô giao sang Việt Nam trong năm 1975 gồm có xăng dầu, phân bón, lương thực, xe vận tải và nhiều loại hàng tiêu dùng khác.