Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 13 tháng 8:
Chủ nhật: 11:11 ngày 13/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Viện sĩ - Hoạ sĩ Trần Vǎn Cẩn, sinh ngày 13-8-1919 tại thị xã Kiến An, nguyên quán ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, qua đời nǎm 1994 ở Hà Nội. Ông được những người yêu nghệ thuật tạo hình biết đến từ trước nǎm 1945.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông tích cực tham gia các hoạt động hội hoạ phục vụ kháng chiến. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng ông luôn luôn tìm tòi lối vẽ truyền thống Việt Nam kết hợp với lối vẽ Hàn lâm Pháp.

Trần Vǎn Cẩn có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: "Em Thuý" (sơn dầu), "Gội đầu" (khắc gỗ), "Xuống đồng"(tranh lụa), "Tát nước đồng chiêm" (sơn mài), "Nữ dân quân vùng biển" (sơn dầu)...

Các tác phẩm của Trần Vǎn Cẩn đã được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài.

Ông không chỉ là một hoạ sĩ nổi tiếng mà còn là một người thầy tận tụy, hết lòng đào tạo các nghệ sĩ tạo hình nước ta.

Nǎm 1996, cố hoạ sĩ Trần Vǎn Cẩn được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

* Ngay sau khi được tin Nhật đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đǎng Ninh, Lê Thanh Nghị, Chu Vǎn Tấn, do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.

23 giờ ngày 13-8-1945, Uỷ ban đã ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Vǎn kiện lịch sử này kêu gọi: "Hỡi quân dân toàn quốc! Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến, cơ hội có một của nhân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!". Vǎn kiện thông báo việc thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và kêu gọi toàn thể nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng hãy hành động theo mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, và thúc giục: "Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!".

* Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc Đảng cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào. Tham dự Hội nghị có đại biểu các Đảng bộ điạ phương và một số đại biểu hoạt động của nước ngoài.

Hội nghị họp đúng vào tình thế Cách mạng trở nên khẩn trương, như Nghị quyết hội nghị vạch rõ: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi chờ khởi nghĩa giành quyền độc lập".

Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, bản Nghị quyết đề cập tới hàng loạt các vấn đề cụ thể và cấp bách như: Công tác ngoại giao, tuyên truyền cổ động, nhiệm vụ quân sự, kinh tế, giao thông, vận động các giới, đảng phái. Hội nghị cũng thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, coi đó là một mục tiêu cơ bản và trước mắt của toàn Đảng, toàn dân.

* Nhạc sĩ Cao Vǎn Lầu sinh nǎm 1892 ở tỉnh Long An và mất ngày 13-8-1976 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nǎm 20 tuổi, ông bắt đầu đi hát với các bạn.

Nǎm 26 tuổi ông sáng tác bài "Dạ cổ hoài lang" (nghĩa là: "Nghe tiếng trống đêm nhớ người tình"). Từ bài Vọng cổ này đã hình thành dòng dân ca Cải lương Nam Bộ thắm đượm lòng người và tình yêu quê hương đất nước. Nhạc sĩ Cao Vǎn Lầu được coi là người khởi xướng dân ca Cải lương với sự kết hợp nhuần nhuyễn dân ca Nam Bộ với ca cổ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia công tác Mặt trận liên Việt ở Bạc Liêu. Nǎm 1947, ông đã cứu được một số cán bộ bị bắt giữ. Suốt cuộc đời ông thà chịu nghèo, chứ không phục vụ bọn cướp nước và bán nước.

* Caclipnêch là nhà hoạt động xuất sắc trong phong trào công nhân Đức, lãnh tụ phái tả Đảng xã hội Dân chủ Đức, người sáng lập ra Liên minh Xpactacut và Đảng cộng sản Đức.

Ông sinh ngày 13-8-1871. Nǎm 1903 ông thành lập tổ chức xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thanh niên và sau đó đề xướng việc tổ chức Đại hội thanh niên quốc tế. Tại Đại hội, ông đọc báo cáo "Chủ nghĩa quân phiệt và chống chủ nghĩa quân phiệt". Ông bị kết án tù. Khi ra tù, ông tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng xã hội. Nǎm 1912 ông là Đại biểu quốc hội và hoạt động với tư cách của người theo chủ nghĩa quốc tế tuyên truyền chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc.

Khi nước Đức sắp đầu hàng các nước Đồng Minh trong chiến tranh thế giới I, Cáclipnêch cùng với các đồng chí trong Liên minh Xpactacut kịp thời lãnh đạo công nhân và binh lính cách mạng ở Beclin đứng lên lật đổ chính thể quân chủ của Vinhem II và thiết lập chế độ Cộng hoà Xô Viết.

Chính phủ mới thành lập sau Cách mạng do phái hữu của Đảng xã hội dân chủ nắm quyền đã phản bội lại phong trào cách mạng, đàn áp cuộc khởi nghĩa của quần chúng và giết hại một cách dã man Caclipnêch vào ngày 15-1-1919.

* Ngày 13-8-1927 là ngày sinh của Phi đen Caxtrô, nhà hoạt động cách mạng của Cuba, Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba.

Nǎm 1945 ông học đại học Luật, và năm 1950 đỗ tiến sĩ luật học.

Nǎm 1952 ông tổ chức "Phong trào Cách mạng. Ngày 26-7-1953, ông cùng các đồng chí trong "Phong trào cách mạng" tấn công vào trại lính Môncađa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và bị kết án 15 nǎm tù. Hai nǎm sau, khi được trả tự do, ông tập hợp lực lượng Cách mạng, đổi tên "Phong trào cách mạng" thành "Phong trào 26 tháng bảy".

Nǎm 1956, Phiđen cùng 82 chiến sĩ Cách mạng Cuba từ Mêhicô vượt biển trở về tổ quốc trên con tàu mang tên Granma, xây dựng cǎn cứ du kích.

Ngày 1-1-1959, phối hợp chặt chẽ với tổng bãi công chính trị của công nhân và đấu tranh của nhân dân, nghĩa quân tiến vào thủ đô LaHabana lật đổ chế độ độc tài Batixta. Cách mạng thắng lợi, nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của Phiđen đã tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 17-4-1961 quân dân Cuba dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Phiđen đã tiêu diệt hoàn toàn quân lính đánh thuê của Mỹ đổ bộ trên bãi Hirôn. Ông đề xướng thành lập "Tổ chức cách mạng thống nhất", sau đổi tên thành Đảng cộng sản Cuba.

Phiđen Caxtơrô là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người kiên quyết đấu tranh chống mọi thế lực phản động, lãnh đạo nhân dân Cuba đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Với cách mạng Việt Nam, Phiđen hết lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, với câu nói nổi tiếng: "Vì Việt Nam, chúng ta hiến dâng tất cả máu của mình!".

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh