Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 16 tháng 9:
Thứ bảy: 20:23 ngày 16/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16-9-1909, tại phố Hàng Đào - Hà Nội.

Năm 1932, vào lúc 22 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường đỗ tiến sĩ Luật khoa và tiến sĩ văn chương.

Báo chí Pháp và trong nước ca ngợi ông, người thanh niên Việt Nam thông minh, hiếu học và tài giỏi, trong một năm đỗ 2 bằng tiến sĩ, hiện tượng chưa từng có trong nền giáo dục văn chương Pháp.

Trở về nước năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy học ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Sau năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, là thành viên của phái đoàn Chính phủ dự hội nghị đàm phán ở Đà Lạt, dự các Hội nghị hoà bình thế giới ở Bắc Kinh và Viên.

Hoà bình lập lại, từ 1954 đến 1970, ông Nguyễn Mạnh Tường là Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá I, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên viên nghiên cứu giáo dục.

Ông đã viết 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp và 4 tác phẩm lớn bằng tiếng Việt. Ông mất năm 1997. Trong sổ tang tưởng niệm nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã ghi "....Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường - Một trí thức yêu nước đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục của Việt Nam".

* Ngày 16-9-1950, bộ đội ta tiêu diệt cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch Biên giới và kết thúc vào ngày 14-10 năm đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo ban chỉ huy chiến dịch và động viên bộ đội chiến đấu.

Trong chiến dịch Biên giới, ta tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, giải phóng một dải biên giới dài 750 km với 35 vạn dân, 5 thị xã, 13 thị trấn và nhiều vùng quan trọng. Căn cứ Việt Bắc được mở rộng và củng cố.

Chiến dịch Biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của ta, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đánh dấu sự trưởng thành của quân ta, đánh dấu bước chuyển biến giai đoạn mới: giai đoạn ta giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ.

* Theo Nghị quyết số 49/114 ngày 19-12-1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chọn ngày 16-9 hàng năm là "Ngày quốc tế bảo vệ tầng Ô-dôn".

* Ngày 16-9-1745 tại Pêtécbua đã ra đời người con ưu tú, vị thống soái Nga Kutuzốp. Người đã đánh bại đội quân Napôlêong trong cuộc chiến tranh ái quốc năm 1812 của nước Nga và chôn vùi mộng bá chủ thế giới của Napôlêong.

Thắng lợi của quân Nga cho thấy tài năng và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược chiến thuật của Kutuzốp đạt tới trình độ rất cao. Ông biết sử dụng hình thức cổ điển phòng ngự chiến lược, tạo thế trận để xuất phát tiến công, đồng thời đã sử dụng các hình thức mới để tiến hành phản công, tổng hợp tài tình việc cơ động lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược.

Ông mất ngày 28-9-1813.

* Tề Bạch Thạch - thiên tài hội hoạ, một danh nhân văn hoá thế giới. Ông sinh ngày 22-11-1863 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Ông vẽ xuất thần tất cả các loại tranh sơn thuỷ, nhân vật, hoa điểu, thảo tùng. Ngoài vẽ tranh giỏi ông còn làm thơ hay, khắc dấu triện, ba tài năng đều đạt tới đỉnh cao. Trọn đời ông luôn đứng về người lao động và hướng thiện, vị tha. Nhiều tranh của ông ca ngợi đất nước, nhân dân, hoà bình, hạnh phúc.

Sau ngày giải phóng Trung Quốc (1949), ông được phong học hàm Giáo sư danh dự Học viện Mỹ thuật Trung ương, được phong nghệ sĩ nhân dân, đại biểu Quốc hội.

Năm 1955, ông được hội đồng hoà bình thế giới trao giải thưởng và công nhận Danh nhân văn hoá thế giới. Ông mất ngày 16-9-1957 tại Bắc Kinh, thọ 94 tuổi.

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh