BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 22 tháng 12:

Cập nhật ngày: 23/12/2017 - 08:13

Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 * Nhà văn Chu Văn tên thật là Nguyễn Văn Chử, sinh ngày 22-12-1922, quê ở Thái Bình.

Từ năm 1950, ông phụ trách toà soạn báo Cứu Quốc - Liên khu III. Từ năm 1958 là Trưởng ty Văn hoá tỉnh Nam Định, sau đó ông phụ trách Hội văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh.

Chu Văn thật sự khẳng định tài năng của mình bằng tiểu thuyết "Bão biển" (xuất bản năm 1969) viết về một vùng nông thôn công giáo ven biển miền đồng bằng Bắc Bộ trong những năm bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chu Văn có một bút pháp hiện thực chặt chẽ, vừa có thể khắc hoạ bức tranh xã hội, vừa đi xâu vào những số phận cá nhân và những tính cách nhân vật.

* Ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn dân kháng chiến. Bản chỉ thị vạch rõ: đánh phản động và thực dân Pháp xâm lược giành độc lập, thống nhất; đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, đoàn kết với Miên, Lào và thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do hoà bình, liên hiệp với nhân dân Pháp chống phản động thực dân Pháp.

Tiếp đó, đồng chí Trường Chinh đã viết một loại bài: "Kháng chiến nhất định thắng lợi", giải thích đường lối kháng chiến của Đảng đăng trên báo Sự Thật.

* Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội thành lập ngày 22-12-1959. Tại đây trưng bày có hệ thống và khái quát quá trình xây dựng, trưởng thành trong chiến đấu của lực lượng vũ trang Việt Nam từ năm 1930 cho đến nay.

Các phòng trưng bày gồm các phần:

- Quá trình hình thành lực lượng vũ trang cách mạng (từ 1930-1945) và cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

- Lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ 1955 đến 1975).

- Lực lượng vũ trang cùng nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 đến nay).

* Ngày 22-12-1964 ngành đường sắt nước ta hoàn thành việc đóng mới đầu máy xe lửa kiểu Tự Lực, mang tên Nguyễn Văn Trỗi.

Đây là chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên do cán bộ, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và Tổng cục Đường sắt thiết kế, chế tạo với sự giúp đỡ của nhiều xí nghiệp và cơ quan các ngành khác.

Thế giới

* Ngày 22-12-1988, tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Nam Phi, Cuba và Angola ký hiệp định đem lại nền độc lập cho Namibia, vốn là thuộc địa trước đây của Đức trong thế chiến I.