Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 tại tỉnh Hà Tĩnh, hy sinh ngày 28-8-1941 tại Hóc Môn, tỉnh Gia Định cũ.
Nǎm 1927, đồng chí vào Sài Gòn, vừa dạy học vừa hoạt động cách mạng; cuối nǎm 1928 sang Trung Quốc. Từ nǎm 1929 được vào học ở trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Sau khi tốt nghiệp đại học Phương Đông, tháng 4 nǎm 1934, đồng chí về tới Ma Cao, cùng các đồng chí khác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Tại Đại hội này vào cuối tháng ba nǎm 1935 ở Ma Cao, đồng chí Hà Huy Tập đã đọc báo cáo tổng kết phong trào cách mạng Đông Dương và 5 nǎm hoạt động của Đảng.
Sau tháng 7 -1936, đồng chí cùng cơ quan Trung ương Đảng rời Trung Quốc về Sài Gòn, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Tại Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng họp từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1937 tại Bà Điểm, Gia Định, đồng chí Hà Huy Tập đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng từ sau Đại hội lần thứ nhất đến nǎm 1937, nêu bật thành công của Đảng là đã khôi phục được hệ thống tổ chức trong cả nước.
Giữa tháng 3 năm 1938, đồng chí Hà Huy tập bị bắt - Ngày 25-3-1941, toà án của thực dân Pháp mở tại Sài Gòn đã tuyên án tử hình đồng chí Hà Huy Tập cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng vì tội chịu trách nhiệm về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
* Trần Anh Tông tên thật là Trần Thuyên, là vua thứ tư của triều Trần và là một nhà vǎn.
Ông có óc canh tân, chịu sửa lỗi lầm, mở mang việc học hành, sử dụng người tài nên kinh tế nước ta lúc đó được phát triển, vǎn học thịnh vượng. Vua Trần Anh Tông thuận gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân là vua Chiêm Thành, để đổi lấy châu Ô và châu Rí. Tác phẩm chính của ông là Thuỷ Vân tuỳ bút. Ông từ trần ngày 24-4-1320 hưởng dương 44 tuổi.
* Nguyễn Nghiêm xuất thân trong một gia đình nho học truyền thống. Trước nǎm 1930 hoạt động trong tổ chức Công Ái ở Quảng Ngãi, rồi gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, ông là người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa phát đi từ làng Tân Hội (quê ông), ngày 24-2-1931 giặc bắt ông ở phủ Từ Nghĩa cùng tỉnh, chúng dùng nhiều đòn tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ông, chúng đã tuyên án tử hình ông ngày 24-4-1931 lúc đó ông mới 28 tuổi. Nguyễn Nghiêm là một trong những người cộng sản kiên cường góp phần xương máu ngay tại quê hương mình.
* Với mục tiêu đòi tự do báo chí và vận động thành lập tổ chức báo chí thống nhất trên toàn quốc, ngày 24-4-1937, trên 200 người làm báo đã tới dự Hội nghị báo giới Bắc kỳ họp tại Hội quán thể thao (nay là Câu lạc bộ quân đội). Tại Hội nghị, Hải Triều đã trình bày việc thành lập một mặt trận thống nhất báo giới.
Hội nghị đã cử ra một ban biên tập gồm 7 người (trong đó có Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Đức Kính) và Uỷ ban quản trị (trong đó có Võ Nguyên Giáp, Phan Tử Nghĩa, Nguyễn Mạnh Chất). Các cơ quan này có nhiệm vụ giao thiệp với báo chí Trung Kỳ, và sẽ giải tán khi thực hiện được việc thành lập một tổ chức chung của báo chí cả nước.
Cũng từ đây phong trào bị thực dân Pháp chú ý, kèm theo hàng loạt những cuộc khủng bố nhằm vào các tờ báo cách mạng; Song mặt trận báo chí dân chủ vẫn trở nên sôi động làm thực dân Pháp lâm vào thế lúng túng.
* Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương họp trong hai ngày 24, 25-4-1970 nhằm động viên nhân dân 3 nước Đông Dương tǎng cường đoàn kết nhất trí hết lòng ủng hộ lẫn nhau, kiên trì và đẩy mạnh chiến đấu, đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đi dự hội nghị do Thủ tướng Phạm Vǎn Đồng dẫn đầu. Đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam dẫn đầu.
* Ngày 24-4-1972, Quân giải phóng Tây Nguyên tiến công như vũ bão vào toàn bộ quân địch ở tuyến phòng thủ Đắc Tô - Tân Cảnh, lập một chiến công vang dội: Chỉ trong 6 giờ đã tiêu diệt cǎn cứ lớn này - một cǎn cứ có lực lượng cơ động mạnh, có hệ thống hoả lực và pháo binh dày đặc, lại được sự yểm hộ rất cao của máy bay Mỹ, diệt gọn sư đoàn bộ binh ngụy số 22.
Như vậy tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở Tây Nguyên đã bị chọc thủng, phía Bắc tỉnh Komtum được giải phóng.
* 1976: Việt Nam và Costa Rica thiết lập mối quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ
Thế giới
* Lênin từ Thụy Sĩ trở về Nga vào ngày 24-4-1917 tại hội nghị toàn Nga lần thứ bảy đã trình bày "Luận cương tháng tư". Đây là một bản cương lĩnh quan trọng vạch ra đường lối lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới. Bản luận cương đã đưa ra khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay Xô Viết".
* Theo sáng kiến của Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, ngày 24-4 hàng nǎm được coi là "Ngày đoàn kết quốc tế của thanh niên". Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới được thành lập từ tháng 10-1945 tại Đại hội thanh niên thế giới ở Luân Đôn (nước Anh). Tổ chức này đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì hoà bình dân chủ, độc lập dân tộc vì lợi ích sống còn và quyền lợi của thế hệ trẻ. Hiện nay, Liên đoàn tập hợp được 250 tổ chức thanh niên của hơn 100 nước. Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã gia nhập Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới từ nǎm 1949.