Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo sáng kiến của Phân hội thuỷ thủ người Việt Nam trong Công hội thuỷ thủ, ngày 24-6-1936, 60 thuỷ thủ Việt Nam làm trên các tàu buôn của Pháp đã họp hội nghị tại Mácxây đưa ra bản yêu sách với giới chủ.
Nội dung của yêu sách là: Tuần lễ làm 40 giờ, tǎng lương, cải thiện bữa ǎn, thành lập các phân hội thuỷ thủ ở Hải Phòng, Sài Gòn.
Ngoài ra, bản yêu sách còn bổ sung một số khẩu hiệu chính trị như tự do hội họp và báo chí bằng tiếng Việt, đại xá tù chính trị, thủ tiêu cơ quan mật thám chuyên theo dõi người Việt.
Sự kiện này là kết quả và đỉnh cao của các cuộc đấu tranh của thuỷ thủ làm trên các tàu buôn của Pháp trên tuyến đường nối với Đông Dương.
* Ngày 24-6-1962 khánh thành nhà máy Suýp-pe phốt phát Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), một xí nghiệp hoá chất lớn do Liên Xô giúp ta xây dựng.
* Ngày 24/6/1945, tại Phú Bình, Thái Nguyên, quân ta phá kho thóc Cầu Mây đem khoảng 300 tấn thóc chia cho dân, cứu đói.
Tiếp đó, ngày 25/6, lực lượng vũ trang của ta phục kích tại kè Đức Lân, thu 5 xà lan chở đầy hàng hóa của Nhật và bắt gọn lính áp tải hàng.
Cùng ngày, tự vệ Phú Lương tiếp tục phục kích bắt sống tên chỉ huy đồn Bảo An, Phấn Mễ. Theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền cách mạng đã thành lập tòa án đặc biệt, mở phiên tòa xét xử tên tay sai đắc lực này của Nhật.
Phiên tòa đã gây tiếng vang lớn, khiến cho bọn tay sai của Nhật càng trở nên hoang mang, lo sợ và buộc tên huyện trưởng phải bỏ nhiệm sở, chạy trốn. Chính quyền tay sai của Nhật ở Phú Lương với việc tên huyện trưởng bỏ chạy đã tan giã. Quân Nhật lúc này co cụm trong các đồn Giang Tiên, Phấn Mễ, Điền Na.
* Viện Bảo tàng Mỹ thuật (nhà số 66 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) bắt đầu đón khách tham quan từ ngày 24-6-1966.
Viện đã sưu tầm, tập hợp, hệ thống hoá hiện vật, và góp phần đáng kể vào công tác giới thiệu lịch sử nghệ thuật tạo hình của nước ta.
Người xem có thể theo dõi quá trình phát sinh, phát triển của các bộ môn kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, mỹ thuật ở Việt Nam.
* Từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ nhất tại thủ đô Hà Nội.
Sau diễn vǎn khai mạc của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo về tình hình và kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 25-4-1976. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đọc bản báo cáo chính trị về tình hình và nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam, về nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Quốc hội đã thông qua một số nghị quyết quan trọng như: Lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh. Quốc huy hình tròn, nền đỏ ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có bánh xe rǎng cưa và dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thủ đô là Hà Nội. Quốc ca là bài "Tiến quân ca". Thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Và thành lập 6 ủy ban của Quốc hội.
* Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái qua đời ngày 24-6-1988. Ông sinh ngày 1-9-1921. Ông vẽ nhiều đề tài và là hoạ sĩ của Hà Nội 36 phố phường với những sinh hoạt bình dị của người thủ đô. Trong 40 nǎm lao động sáng tạo, Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái để lại hàng ngàn tác phẩm và nhiều minh hoạ trên sách báo.
Tranh của ông được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bảo tàng của nhiều nước. Ông được đánh giá cao về nét độc đáo rất Hà Nội, và giới hội hoạ đã gọi ông một cách trìu mến "Phố Thái".
* Từ ngày 24-6 đến ngày 27-6-1991, tại hội trường Ba Đình Hà Nội đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng cộng sản Việt Nam. Dự đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho 2.155.002 đảng viên trong cả nước.
Đại hội đã thông qua "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", nội dung cơ bản của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến nǎm 2000; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khoá 6) về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội VI và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu 5 nǎm 1991-1995; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi điều lệ Đảng, và thông qua điều lệ mới của Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá VII gồm 146 đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 13 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng.