BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 29 tháng 10:

Cập nhật ngày: 30/10/2017 - 22:39

Phan Bội Châu tên hiệu Sào Nam. Sinh ngày 26-12-1867 ở làng Đan Nhiễm, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 1900 ông đỗ giải nguyên, nhiệt tình yêu nước, thành lập đội "Tử sĩ Cần Vương".

Năm 1904 ông vận động lập hội Duy Tân, sau đó cùng với Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, thành lập "Hội Việt Nam Quang phục" và "Hội Chấn Hoa Hưng Á". Năm 1922 Ông cải tổ Việt Nam Quang phục thành Đảng Việt Nam Quốc dân.

Năm 1925, ông bị Pháp bắt tại Thượng Hải, giải về nước. Nhân dân toàn quốc đòi ân xá cho ông. Toàn quyền Đông Dương buộc phải ân xá ông nhưng bắt ông an trí tại Huế.

Ông là một người giỏi thơ văn, tác giả nhiều tác phẩm yêu nước, cách mạng, đóng góp nhiều cho nền văn hoá như: "Hải ngoại huyết thư", "Việt Nam vong quốc sử", "Nam quốc dân tu tri", "Việt Nam quốc sử khảo" và một loạt tiểu truyện về các chiến sĩ cách mạng. Văn thơ của ông phổ biến sâu rộng trong quân chúng.

Ngày 29-10-1940, ông mất tại lều tranh Bến Ngự - Huế, thọ 73 tuổi.

* Nhà văn Trần Hữu Trí, bút danh Nam Cao, sinh ngày 29-10-1915 ở xã Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học rồi sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội. Năm 1943, ông gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực. Năm 1946, ông nhập đoàn quân Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí văn nghệ ở Việt Bắc.

Các tác phẩm chính của ông: "Đôi lứa xứng đôi", (tức truyện "Chí Phèo") 1941; "Sống mòn"; "Truyện biên giới"; "Đôi mắt"; "Truyện ngắn Nam Cao".

Ngày 30-11-1951 ông hy sinh tại Gia Viễn, Ninh Bình trên đường đi công tác vào vùng địch.

* Nữ thi sĩ Nguyễn Trung Nguyệt sinh năm 1909 tại Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), mất ngày 29-10-1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà có khiếu văn thơ từ khi còn trẻ. Từ năm 1926, bà Nguyễn Trung Nguyệt là Hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, được đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) họp các lớp chính trị do Tổng bộ tổ chức, rồi viết báo Thanh Niên.

Năm 1929, bà về nước hoạt động, bị địch bắt, chúng kết án bà 8 năm tù, giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Năm 1937, bà được trả tự do.

Bà là tác giả của hơn 3000 bài thơ và một tập hồi ký.

* 13g30' ngày 29-10-2002 đã xảy ra vụ hoả hoạn thảm khốc tại toà nhà Trung tâm thương mại quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITC) làm 60 người thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương và hàng trăm tỷ đồng hàng hoá bị đốt thành tro. Tòa nhà ITC đã phải dỡ bỏ hoàn toàn.

Thế giới

* Écmôn Hali (Edmond Halley) là nhà văn và nhà toán học người Anh, sinh ngày 29-10-1656. Ông là người đầu tiên tính toán quỹ đạo và sự chuyển động của sao chổi mang tên ông - sao chổi Hali. Ông cũng nổi tiếng do đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuất bản tác phẩm bất tử "Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên của Niutơn".

Ông còn có những công trình thiên văn quan trọng khác và chú ý đến việc ứng dụng khoa học vào thực tế. Helley mất ngày 14-1-1742.

* Kể từ ngày 29-10-1933, dấu hiệu đèn giao thông cho xe cộ đã được gắn ở các trục lộ giao thông tại Thủ đô Đan Mạch: Những dấu hiệu đó là: Màu đỏ: dừng lại; Màu vàng: cẩn thận; và Màu xanh: được phép qua lại.