BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 29 tháng 7:

Cập nhật ngày: 29/07/2017 - 21:29

Ngày 29-7-1936 trên tờ "Đấu tranh" số 93 - Nguyễn An Ninh, một trí thức yêu nước có uy tín và có ít nhiều khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đã viết bài báo "Tiến tới một cuộc Đông Dương Đại hội".

Bài báo kêu gọi: "Hơn bao giờ hết bây giờ là lúc thích hợp để triệu tập một cuộc Đông Dương Đại hội! Ở đó các giai cấp đều có đại diện để thảo ra một bản dân nguyện bao gồm được những yêu sách của các dân tộc Đông Dương".

Với vǎn kiện này, chính Nguyễn An Ninh là người đã khởi xướng cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội, một phong trào quần chúng rộng khắp cả nước được sự chỉ đạo của những chiến sĩ Cộng sản, đấu tranh cho nguyện vọng đòi các quyền dân chủ cơ bản.

* 11 giờ sáng ngày 29-7-1941 tại Pháp, Đô đốc Đáclan, Phó quốc trưởng của chính phủ Pêtanh và Đại sứ Nhật tại Pháp Sôtômatsu Katô đã ký kết một vǎn bản ngoại giao về việc phòng thủ chung Đông Dương.

Hiệp ước cam kết Chính phủ Pháp và Nhật sẽ tương trợ nhau trong việc phòng thủ Đông Dương. Hiệp ước cho phép Nhật sử dụng các sân bay Nha Trang, Đà Nẵng, Biên Hoà, Sài Gòn, Sóc Trǎng... và các hải cảng Đà Nẵng, Cam Ranh và Sài Gòn. Ngay sau khi vǎn bản được ký kết các đơn vị quân Nhật đã kéo vào Sài Gòn. Như vậy, trên thực tế quân đội Nhật đã chiếm đóng trên toàn cõi Đông Dương.

* Ngày 29-7-1963 Hội nghị ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam quyết định lấy tên bãi biển Hirông - nơi quân đội và nhân dân Cuba đánh bại cuộc đổ bộ xâm lược của Mỹ - đặt tên cho một đơn vị Quân giải phóng.

* Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam và Đoàn Đại biểu Hội Nhà báo yêu nước và Dân chủ miền Nam Viêt Nam đã họp hội nghị tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 7-1976 để bàn việc thống nhất hai tổ chức hội.

Hội nghị đã quyết định tổ chức thống nhất của những người làm báo trong cả nước mang tên là: Hội Nhà báo Việt Nam.