BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 31 tháng 12:

Cập nhật ngày: 31/12/2017 - 21:52

Phùng Hưng sinh ngày 31-12-736, mất năm 790, quê ở xã Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (củ).

Từ giữa thế kỷ VIII, bọn quan đô hộ nhà Đường bắt nhân dân ta đóng thuế rất nặng, ai cũng oán thán. Phùng Hưng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống lại chúng. Từ Sơn Tây, nghĩa quân dần dần chiếm được cả vùng rộng lớn xung quanh và thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Ông sắp đặt lại việc cai trị với ý định xây dựng nước nhà độc lập lâu dài. Được 7 năm thì Phùng Hưng mất.

Ngày nay ở xã Đường Lâm có đình thờ ông, và ở phố Giảng Võ - Hà Nội còn lăng mộ của ông.

* Cao Huy Đỉnh sinh ngày 31-12-1927, quê ở Nghệ An, mất năm 1975 tại Hà Nội

Ông là nhà nghiên cứu văn học dân gian xuất sắc, từng làm việc ở Viện Văn học, Ban nghiên cứu Đông Nam Á (thuộc Uỷ ban khoa học và xã hội Việt Nam), là Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Các nghiên cứu của ông về "Người anh hùng làng Gióng" (năm 1969) và "Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam" được đánh giá cao.

Ngoài ra, ông còn có những đóng góp đáng kể trong việc giới thiệu và nghiên cứu văn hoá văn học Ấn Độ.

Năm 1996, Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà nghiên cứu văn học Cao Huy Đỉnh.

* Ngày 31-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ Ba Đình, Hà Nội.

Tại đây, Bác Hồ bùi ngùi rút khăn lau nước mắt.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Bác đọc điều từ:

"Hỡi các liệt sĩ!

Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh...".

* Nhà thơ Vân Đài tên thật là Đào Thị Minh, sinh năm 1903 tại Hà Nội, qua đời ngày 31-12-1964.

Bà làm thơ khá sớm. Năm 1943, thơ của bà in trong tập "Hương Xuân" cùng với thơ của nữ thi sĩ Hằng Phương, Mộng Tuyết và Anh Thơ.

Từ Cách mạng Tháng Tám, bà nhanh chóng hoà vào cuộc sống mới, gia nhập bộ đội ngay từ năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tình đồng đội, tình quân dân là nguồn cảm hứng trong hàng loạt bài thơ của bà. Sau năm 1954, bà chú ý viết về cuộc sống ấm no hạnh phúc ở nông thôn và sự đổi mới của phụ nữ. "Mùa hái quả" là tuyển tập thơ tiêu biểu cho hơn 30 năm lao động nghệ thuật nữ thi sĩ Vân Đài.

* Năm 1966, ở miền Bắc có chiến tranh ác liệt do Mỹ gây ra và liên tiếp bị thiên tai.

Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt mục tiêu 5 tấn thóc trên một héc ta/một năm, trên toàn bộ diện tích 8 vạn héc ta trồng lúa của tỉnh.

Đây là một thắng lợi to lớn của ngành nông nghiệp đương thời. Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen ngợi tỉnh Thái Bình.

* Nhạc sĩ Hoàng Việt sinh năm 1928, quê ở tỉnh Tiền Giang, hy sinh ngày 31-12-1967 ở miền Nam trên đường đi công tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông là tác giả của nhiều bài hát có giá trị nghệ thuật như: Lên ngàn, Lá xanh, Mùa lúa chín, Tình ca. Đặc biệt ông đã sáng tác bản nhạc giao hưởng "Quê hương", là bản giao hưởng đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Năm 1996 ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

* Ngày 31-12-1976, tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ thông xe đường sắt Thống Nhất dài 1.730 km. Trong thời gian khôi phục đường sắt Thống Nhất, công nhân, bộ đội và nhân dân ta đã làm mới 626 km đường, trong đó gồm 475 cầu, 520 cống, 150 nhà ga.

Từ khi khởi công đến lúc nối xong đoạn ray cuối cùng của tuyến đường là 14 tháng.

Thế giới

* Rôbớt Boilơ (Robert Boyle) sinh ngày 25-1-1627 trong một gia đình quý tộc Anh.

Với công trình đầu tiên - cuốn "Nhà hoá học hoài nghi" (1661) - ông đưa ra ý kiến là hoá học có nhiệm vụ trả lời vấn đề thế giới vật chất gồm những gì, thành phần các chất ảnh hưởng như thế nào lên tính chất của chúng. Những phản ứng do ông nghiên cứu và các chất do ông phát minh có ứng dụng rộng rãi trong thực tế.

Các dụng cụ thí nghiệm do ông sáng tạo để xác định thể tích của chất khí và chất lỏng, cho đến nay vẫn được sử dụng. Những ý tưởng độc đáo, mới mẻ của ông đã kích thích sự phát triển của khoa học. Lý thuyết về sự phát sáng của phốt pho mà ông đã phác hoạ mãi đến những năm 20, 30 của thế kỷ 20 mới được hoàn chỉnh.

Ông mất ngày 31-12-1691.