Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920, ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điều, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhà thơ xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. Tố Hữu làm thơ ngay trên ghế nhà trường, chép tay truyền đi đăng trên báo Đảng. Giữa lúc thơ mới đang khóc mây than gió, sướt mướt những chàng - nàng thì Tố Hữu đã thổi một luồng sinh khí cho thơ. Năm 1938, được một công nhân nhà in giới thiệu, Tố Hữu vinh dự đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ cộng sản.
Tháng 4-1939, do bị lộ ông bị bắt giam qua các nhà lao Thừa Thiên, Đăk Lắc, Đắc Pao... Tháng 3-1942, Tố Hữu vượt ngục trở về với cách mạng. Tháng 8-1945, Tố Hữu tham gia cướp chính quyền ở thành phố quê hương, với cương vị là Chủ tịch Ban Khởi nghĩa Huế. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Tố Hữu trở lại Thanh Hoá làm Bí thư tỉnh uỷ. Năm 1947, ông được Đảng điều ra Việt Bắc lãnh đạo văn nghệ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) ông được bầu làm uỷ ban dự khuyết trung ương Đảng, năm 1955 là uỷ viên chính thức. Đại hội III (1960) Tố Hữu được bầu vào Ban Bí thư, và đại hội IV (1976) được bầu là uỷ ban dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, năm 1980, ông là uỷ viên chính thức Bộ Chính trị.
Từ năm 1981, Tố Hữu được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đại hội V (1982) ông được bầu làm uỷ viên Bộ Chính trị. Tác phẩm chính: "Từ ấy" (1946), "Việt Bắc" (1954), "Gió lộng" (1961), "Ra trận" (1972), "Máu và Hoa" (1977), "Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại" (tiểu luận 1973).
Ông đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
* Ngày 4-10-1961, Hồ Chủ tịch đã ký lệnh công bố "Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy".
Mục đích của pháp lệnh nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ sản xuất và trật tự an ninh chung. Đồng thời để nâng cao ý thức trách nhiệm phòng cháy chữa cháy của cán bộ, công nhân viên chức của toàn dân, đẩy mạnh công tác phòng cháy và chữa cháy.
* Ngày 4-10-1953 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành chính sách tôn giáo. Chính sách gồm các nội dung sau:
1. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng.
2. Đoàn kết nhân dân không phân biệt giáo, lương để kháng chiến kiến quốc. Phá tan âm mưu của địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ dân tộc, kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo hành động phản quốc, hại dân.
3. Cải thiện đời sống, nâng cao trình độ chính trị văn hoá của đồng bào các tôn giáo.
* Nguyễn Đức Thuận tên thật là Bùi Phong Tư, sinh năm 1916, quê ở tỉnh Nam Định, mất ngày 4-10-1985 tại Hà Nội.
Từ năm 1951 đến năm 1965, ông hoạt động bí mật trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn tạm chiếm, đến tháng 7 năm 1956 thì bị Mỹ - Ngụy bắt, giam giữ tại nhiều nhà lao như sở thú Sài Gòn, P42 và cuối cùng đày ra Côn Đảo.
Kẻ thù đã dùng nhiều phương tiện tra khảo dã man và hiện đại hòng khuất phục ông. Nhưng trước sau như một, Nguyễn Đức Thuận vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản chân chính và bảo vệ được cơ sở Đảng.
Năm 1964, ra khỏi nhà tù Côn Đảo, ông được tổ chức bố trí ra vùng giải phóng, và được phân công nhiều công tác quan trọng của Đảng, Mặt trận và Công đoàn. Từ tháng 8-1980 đến tháng 10-1985, ông là Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội từ khoá IV đến khoá VII, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IV và khoá V.
Nguyễn Đức Thuận là chiến sĩ Cách mạng kiên cường bất khuất, một nhà hoạt động công đoàn ưu tú và hết sức trung thành vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
* Ngày 4-10-1957, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Xioncốpxki - ông tổ của ngành du hành vũ trụ lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Liên Xô đã phóng lên bầu trời con tàu vũ trụ mang tên "Sputnhíc 1" mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên con người chinh phục vũ trụ bằng những vệ tinh do chính mình chế tạo.