Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 7-10-1877, người Pháp đã khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn và khánh thành vào dịp lễ phục sinh năm 1880.
Người thiết kế công trình này là kiến trúc sư Pavrát (Pavrard), theo mẫu của nhà thờ Đức Bà ở Thủ đô Pari (nước Pháp).
Nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn có diện tích hơn 3.400 mét vuông, cao hơn 60m, và có 6 quả chuông nặng hơn 26 tấn (có quả nặng tới 9 tấn, đường kính 2,3m, chiều cao 3,3m), nếu khi 6 quả chuông cùng rung lên một lúc, nếu thời tiết tốt (trời trong, lặng gió) thì những người ở xa nhà thờ đến 10km vẫn nghe được tiếng chuông ngân.
* Từ 7-10 đến ngày 22-12-1947, Pháp huy động hơn 2 vạn quân tinh nhuệ, có máy bay, có tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc "chớp nhoáng" cuộc chiến tranh xâm lược.
Bộ đội chủ lực của ta phối hợp với các đơn vị dân quân, du kích các tỉnh, đã liên kết đánh chặn và phản công tiêu diệt địch ở khắp nơi. Nổi bật là các trận ở Bình Ca (Tuyên Quang), Bông Lau (Cao Bằng), Khe Lau trên sông Lô, tập kích địch ở đồn Phủ Thông, phục kích ở đèo Giàng trên đường số 3.
Trong cả chiến dịch Việt Bắc, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắt sống 270 tên, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 26 tàu chiến và ca nô, phá 100 khẩu pháo và hàng nghìn khẩu súng, hàng trăm xe quân sự, thu hàng tấn chiến lợi phẩm.
Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên của ta tại căn cứ rừng núi. Chiến dịch này đã đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta.
* Học giả Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hoè, sinh năm 1889, quê ở Hà Đông.
Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau chuyển sang học tiếng Pháp, đỗ bằng Thành Chung, làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội, chuyên về văn hoá cổ Việt Nam. Từng làm Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ trước năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức vụ Bộ trưởng xã hội trong chính phủ lâm thời, rồi Đại biểu Quốc hội khoá I, quyền Chủ tịch Quốc hội khoá I, Quốc vụ khanh Chính phủ "Liên hiệp quốc dân". Toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
Các công trình trước tác chữ Quốc ngữ và chữ Pháp có giá trị của ông phần lớn in trong các tạp chí. Nhất là các tạp chí Trí Tri, Viễn Đông Bác Cổ, Tri Tân.
Trong lần bị Pháp tấn công ở chiến khu Việt Bắc, ông bị giặc bắt và giết tại Bắc Cạn ngày 7-10-1947.
* Etga Alanh Pô (Edgar Allan Poe) là nhà văn Mỹ, sinh ngày 19-1-1809 mất ngày 7-10-1849, ông là một nhà văn tài năng trên nhiều lĩnh vực: Thơ, truyện, phê bình lý luận. Trong mỗi thể loại ông đều có những gặt hái đáng kể, được đánh giá cao.
Truyện của Pô bộc lộ mối bất đồng sâu sắc đối với xã hội tư sản Mỹ, nên ông tìm đến chủ nghĩa lãng mạn như một chỗ dựa tinh thần, niềm vui trong thế giới tưởng tượng bay bổng, ly kỳ của sáng tạo cá nhân. Các truyện phiêu lưu của ông đặc biệt được ưa thích, nhất là công chúng châu Âu.
* Nien Bo sinh ngày 7-10-1885 và mất năm 1962.
Ông là nhà vật lý xuất sắc Đan Mạch. Từ năm 1916, ông là giáo sư trường đại học tổng hợp Copenhagơ.
Ông là người đứng đầu trường phái khoa học lớn trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, tác giả của thuyết lượng tử (trong những năm 1913-1916). Thuyết này là điểm xuất phát cho thuyết cơ học lượng tử hiện đại về cấu tạo nguyên tử. Năm 1913, ông cũng là tác giả của công trình giải thích lý thuyết định luật tuần hoàn Menđêlêép và thuyết hạt nhân nguyên tử.
Năm 1922, Nien Bo được giải thưởng Nôben. Từ năm 1919, ông là Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước đây.