Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày này năm xưa, ngày 7 tháng 5:
Chủ nhật: 09:50 ngày 07/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 7-5-1954 - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13-3-1954. Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt và bắt gọn 16 nghìn tên địch (gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh), bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong 9 nǎm. Đây là một thắng lợi vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, có sức cổ vũ rất lớn phong trào chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc trên thế giới.

* Nguyễn Quang Bích sinh ngày 7-5-1832, quê ở tỉnh Thái Bình, qua đời ngày 15-12-1889.

Ông là quan triều Nguyễn, đã từng lập cǎn cứ ở Nghĩa Lộ, tập hợp nghĩa quân để chống lại quân Pháp trong các nǎm từ 1884 đến 1889.

Chính trong những nǎm đó, ông đã sáng tác tập thơ Ngư Phong - Đây là tâm tình của nhà thơ chiến sĩ, có tình yêu thắm thiết đất nước và lòng cǎm thù giặc nóng bỏng.

Ở Hà Nội có một phố mang tên Nguyễn Quang Bích.

* Bác sĩ y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhà hoạt động cách mạng, Anh hùng lao động, sinh ngày 7-5-1909 tại Quảng Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám ông có đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng cơ sở Cách mạng ở Sài Gòn, kể cả việc thành lập Đoàn thanh niên Tiên phong, ông cũng chung lòng với bác sĩ Nguyễn Vǎn Thụ, Mai Vǎn Bộ tổ chức được nhiểu cơ sở Thanh niên Tiên phong ở Nam Bộ.

Trong khí thế sôi động của cuộc Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Uỷ trưởng ngoại giao, tên tuổi ông gắn bó với "Lâm ủy hành chính Nam Bộ" và "Thủ lĩnh Thanh niên Tiên phong".

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính khu Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, ông vào chiến khu rồi ra Bắc về Nam mấy lượt, tích cực hoạt động trên cương vị y tế - người đứng đầu ngành y tế Cách mạng, cống hiến cho y học và nền y tế cách mạng thật xuất sắc, đặc biệt là trong việc chống sốt rét. Đồng thời ông còn là tác giả nhiều sách về y học viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.

Ngày 7-11-1968, ông mất tại một cǎn nhà tranh, giữa chiến khu miền Đông Nam Bộ. Ông được Đảng và nhà nước Việt Nam tặng nhiều huân chương cao quí.

* Ngày 7-5-1944 - Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa".

Chỉ thị nhận định "thời cơ hết sức thuận lợi cho nhân dân Đông Dương giành chính quyền sắp tới", "song thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn là do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó".

Nội dung của vǎn kiện này còn đề cập tới những vấn đề rất cụ thể như "Ai xông ra đánh quân thù? Lấy gì đánh quân thù? Đánh bằng cách nào? Đánh vào lúc nào để thắng? Làm thế nào đẩy phong trào tiến tới khởi nghĩa?...

Tinh thần của bản chỉ thị được các đảng viên và nhân dân quán triệt và biến thành những hành động cụ thể tạo nhiều điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa.

* Ngày 7-5-1948, tại chiến khu Việt Bắc, đã thành lập Hội Vǎn nghệ Việt Nam nhằm mục tiêu trước mắt là đoàn kết tất cả những người làm công tác vǎn học, nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng đất nước.

Đến nay ở tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có hội vǎn nghệ và chung cả nước có Uỷ ban trung ương Liên hiệp Vǎn học nghệ thuật Việt Nam.

* Ngày 7-5-1955, là ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân nhân dân đã anh dũng chiến đấu, mưu trí sáng tạo, bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy, đánh chìm nhiều tàu địch, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; làm thất bại cuộc phong toả chiến lược bằng thuỷ lôi của Mỹ đối với miền Bắc; mở đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho Cách mạng miền Nam; sáng tạo ra cách đánh đặc công hải quân độc đáo; có hiệu suất chiến đấu cao.

Hải quân nhân dân Việt Nam đã tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, trong đó nổi bật đã phối hợp lực lượng của quân khu 5, mưu trí, táo bạo, bất ngờ, giải phóng quần đảo Trường Sa, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

* Bác sĩ y khoa, Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng quê ở thành phố Huế, sinh nǎm 1912 và mất vào này 7-5-1982. Thuở nhỏ Tôn Thất Tùng học ở Huế và Hà Nội, tốt nghiệp y khoa, làm việc ở Bộ Quốc phòng.

Nǎm 1947 làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ nǎm 1954, ông làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giáo sư tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khoá và giữ các chức vụ: Uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Sỹ Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên hội Quốc gia những nhà phẫu thuật nước Cộng hoà dân chủ Đức và nhiều nước khác. Ông là giáo sư y khoa nổi tiếng về gan và giải phẫu gan. Ông từng đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, giáo sư y khoa Việt Nam hiện đại.

Do cống hiến của ông trong lĩnh vực y học, ông được Chính phủ tặng nhiều huân chương cao quý, được truy tặng huân chương Hồ Chí Minh. Tên của ông được đặt cho một phố ở Hà Nội và cả ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Thế giới

* Piốt Ilitsơ Traicôpxki là nhạc sĩ và là nhà soạn nhạc nổi tiếng nước Nga. Ông sinh ngày 7-5-1840 trong một gia đình trí thức. Ông vào học trường luật và trở thành viên chức ở Bộ Tư pháp. Đến nǎm 21 tuổi ông mới vào học tại Nhạc viện Pêtecxbua và tốt nghiệp xuất sắc.

Traicôpxki sáng tác hầu hết các thể loại âm nhạc. Ông là một trong những người đặt nền móng cho nhạc giao hưởng cổ điển Nga. Các vở Ôpêra của ông lấy đề tài trong các tác phẩm vǎn học Nga như vở kịch Epghênhi Ônhêghin lấy đề tài trong bản trường ca của Puskin.

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, Traicôpxki được ghi nhận là người cách tân xuất sắc thể loại vũ kịch với các vở balê Hồ Thiên Nga, Người đẹp ngủ trong rừng... Ông còn sáng tác nhiều thể loại âm nhạc cổ điển khác cho dàn nhạc thính phòng cho hoà tấu, những bản dành riêng cho pianô, viôlông...

Giữa lúc thiên tài âm nhạc của Traicôpxki đang nở rộ thì ông mắc bệnh tả và mất ở Pêtecxbua ngày 6-11-1893, khi ông mới 53 tuổi.

* Tago, nhà thơ lớn, nhà vǎn hoá lớn Ấn Độ sinh ngày 7-5-1861 tại Cancútta trong một gia đình truyền thống vǎn hoá, nghệ thuật và theo xu hướng cải cách xã hội. Ông được đào tạo chu đáo và được coi là thần đồng, đặc biệt về tài vǎn học.

Tago tích cực hoạt động xã hội và sáng tác vǎn học. Ông mang tư tưởng chống đối chế độ thực dân Anh và ách áp bức giai cấp. Nǎm 51 tuổi ông được nhận giải thưởng Nôbel về vǎn học với tậpThơ dâng kiệt xuất, Ông là nhà vǎn có ảnh hưởng sâu sắc đối với vǎn học Ấn Độ.

Ông để lại trên một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, trên 2.000 bài hát, nhiều bức tranh, tiểu luận về triết học, chính trị, giáo dục, đạo đức, nghệ thuật...

Đóng góp xuất sắc nhất của Tago là lĩnh vực thơ ca. Ông đem lại cho thi ca Ấn Độ một không khí thiêng liêng, thần tình. Thơ của ông phản ánh những truyền thống vǎn hoá quí báu của dân tộc, trong sự hội nhập với nền nghệ thuật hiện đại của phương Tây.

Những tập thơ tiêu biểu của ông là Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn...

Ông mất ngày 7-8-1941, thọ 80 tuổi

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh