Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ 8-10 đến ngày 3-11-1427 đã diễn ra nhiều trận đánh giữa quân ta và giặc Minh từ Đông Quan (Hà Nội ngày nay) đến biên giới Việt - Trung, mà khu vực chủ yếu là Chi Lăng (Lạng Sơn), Xương Giang (Bắc Giang).
Quân ta đã vây thành, diệt quân địch tiếp viện, phục kích, tập kích, công kích quân địch phòng ngự dã ngoại.
Sau gần một tháng, quân ta đã diệt và bắt khoảng 22 vạn quân tiếp viện của nhà Minh, trong đó hầu hết các tướng chỉ huy chủ yếu.
Tướng Liễu Thăng bị chém ở chân núi Mã Yên, Thượng thư Lý Khánh khiếp sợ quá phải tự sát, Tổng binh Vương Thông bị bao vây ở thành Đông Quan phải đầu hàng.
Chiến thắng Chi Lăng, Xương Giang đã buộc nhà Minh phải rút số quân còn lại về nước và thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.
Nguyễn Trãi đã mô tả chiến thắng này trong bản "Bình Ngô đại cáo" như sau:
"Đánh trận đầu, sạch sanh kình ngạc
Đánh trận nữa, tan tác chim muông
Lỗ kiến soi, đê vỡ phá tung
Gió thổi mạnh, lá khô trút sạch"
* Ngày 8-10-1946, Chính phủ đã ra sắc lệnh thành lập ngành Sư phạm Việt Nam.
Đến nay ngành có giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, chuyên nghiệp và đại học, với tổng số 80 vạn người. Trong số này có hơn 300 giáo sư, hàng chục nghìn tiến sĩ, phó tiến sĩ, hàng chục vạn cử nhân, cả nước có 81 trường sư phạm, trong đó có 10 trường đại học, 40 trường cao đẳng và 31 trường trung học sư phạm.
Ngành sư phạm nước ta đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
* Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chính thức được thành lập trong đại hội đại biểu thanh niên toàn quốc, khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 8-10-1956.
Các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam gồm 52 người, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm chủ tịch.
* Ngày 8-10-1960 đã diễn ra Lễ kết nghĩa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn tại Hà Nội. Trong buổi lễ, đồng bào Huế tặng đồng bào Hà Nội, đồng bào Sài Gòn bức trướng thêu:
"Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Là cây một cội, là con một nhà".
Cùng với phong trào kết nghĩa giữa ba thành phố lớn, mỗi tỉnh, mỗi thành phố miền Nam kết nghĩa với một tỉnh, thành miền Bắc. Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam còn đi sâu vào nhiều ngành, nhiều đơn vị nói lên mối tình keo sơn ruột thịt của đồng bào hai miền Bắc - Nam và sức mạnh chân lý: dân tộc ta là một, đất nước ta là một.
* Nhà văn Henri Phinđing (Henri Fillding) sinh ngày 22-4-1707. Các tác phẩm của ông luôn hướng về việc miêu tả những con người thuộc tầng lớp bình dân. Ông nghiêng về ca ngợi, phát hiện những vẻ đẹp nhân tính trong thân phận những con người nhỏ bé. Ông được suy tôn là "Người cha của tiểu thuyết Anh".
Ông mất ngày 8-10-1754.