Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn hướng tới một cuộc sống hòa bình, no ấm, hạnh phúc. Mỗi người dân đều mong muốn có một cuộc sống thực sự hạnh phúc cho bản thân, gia đình. Vậy hạnh phúc đến từ đâu? Rất nhiều người cho rằng hạnh phúc không có công thức, hạnh phúc đến từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người.
|
Ảnh minh họa. |
* Bữa cơm nuôi dưỡng hạnh phúc
Đời sống kinh tế của người Việt Nam càng ngày càng được cải thiện, hầu hết người dân đều đã được ăn no, mặc ấm, rất nhiều người đã vươn tới việc ăn ngon, mặc đẹp. Đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao hơn, nhất là với người dân ở các thành phố lớn.
Thế nhưng, theo nhiều nhà nghiên cứu, quá trình đô thị hóa cũng lấy đi của gia đình người Việt Nam khá nhiều điều quan trọng để duy trì hạnh phúc . Có thể t hấy rõ nhất đó là thời gian bên nhau, dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình ít đi rất nhiều. Bữa cơm gia đình với đầy đủ thành viên quây quần sum họp như trước có lẽ là mơ ước của nhiều gia đình ngày nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoa Hữu Vân cho biết: Ý nghĩa giáo dục qua bữa cơm gia đình rất quan trọng . Một bữa cơm không chỉ đơn thuần mà dịp để người lớn và trẻ con gần gũi nhau, trao đổi tình cảm với nhau, thực hành văn hóa gia đình.
Ở bữa ăn, ông bà, bố mẹ có thể dạy cho con trẻ cách ứng xử kính trên nhường dưới, thể hiện tình yêu thương của mỗi thành viên dành cho nhau, góp phần hình thành giá trị nhân cách cho con trẻ.
Trong các gia đình truyền thống xưa, gia đình nào cũng vậy, không phân biệt giàu nghèo, trong một mâm cơm, có món nào ngon con cháu cũng mời ông bà ăn trước, nhưng người lớn tuổi lại thường gắp miếng ngon ấy cho người bé nhất trong nhà.
Tình cảm gia đình ấm áp, hạnh phúc cứ thế lớn lên trong tâm hồn trẻ thơ, nền giáo dục đó xuất phát từ ý thức nhường nhịn, sẻ chia, kính trên nhường dưới.
Cũng có một thực tế là ngày càng nhiều căn bếp được trang bị những đồ dùng đắt tiền, tiện nghi nhất phục vụ nấu nướng, song ít khi được đỏ lửa bởi bữa ăn chung trong nhà rất ít khi diễn ra.
Không ít người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay đơn giản cho rằng bữa cơm gia đình không quá quan trọng đến thế, ăn ở đâu cũng được, ăn ngoài quán thì càng tiện, về nhà không cần lo lắng xem ăn gì, ai dọn rửa bát đũa…
Theo ông Hoa Hữu Vân: Nếu như bếp lửa nguội lạnh thì lòng người cũng sẽ lạnh theo. Ngược lại, nếu có càng nhiều bữa cơm gia đình ấm áp, tình yêu thương sẽ sưởi ấm căn nhà, từ đó nó sẽ lấn át, giảm bớt những xung đột, mâu thuẫn gia đình.
Khi con trẻ không tìm thấy yêu thương, ấm áp ngay từ chính cha mẹ, gia đình mình trẻ sẽ tìm niềm an ủi đó từ chính người khác, bất kể tốt, xấu. Có một nghiên cứu cho thấy, rất nhiều trẻ em phạm tội xuất phát từ việc không được sống trong gia đình và không nhận được tình yêu thương của cha mẹ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng: Bữa cơm gia đình sum họp cũng chính là bữa cơm gia đình, chính là cái cớ, đường dẫn đến nhiều điều hạnh phúc. Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy hơn nhưng con người cũng đã đánh mất nhiều điều hạnh phúc, thay vào đó là sự lo âu, hoảng sợ, hoang mang, ngờ vực tăng lên rất nhiều...
Mấy năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động toàn dân thực hiện trân trọng giây phút sum họp của các thành viên bên bữa cơm, góp phần giữ lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình.
* Cân bằng để hạnh phúc
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Ngày nay, cuộc sống vật chất đã đầy đủ hơn nhưng con người Việt Nam không hạnh phúc bằng nhiều năm về trước. Đó là do chúng ta đã mất dần những mối giao cảm vốn có với con người, thiên nhiên và xã hội…
Theo cách nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ngày nay, chúng ta vẫn sống trong bầu trời đấy, mặt đất đấy, dòng sông đấy nhưng gần như chúng ta không còn giao cảm với thiên nhiên như trước. Từ việc xa rời thiên nhiên, con người cũng dần dần đánh mất đi mối giao cảm với con người, từ đó trở nên cô độc ngay trong chính gia đình mình dù điều kiện vật chất đầy đủ hơn.
Thêm vào đó, con người đang dần mất đi mối giao cảm với chính con người. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Chưa bao giờ mối giao kết giữa các thành viên trong gia đình lại lỏng lẻo như bây giờ.
Mỗi ngày, các thành viên bận bịu với công cuộc mưu sinh, khi trở về nhà đã mệt nhoài và muốn dành thời gian cho chính bản thân mình. Cảnh tượng thường thấy ở mỗi gia đình hiện nay vào buổi tối là mỗi người một góc, tay cầm một thiế t bị điện tử thông minh, kết nối internet.
Người lớn tham gia “thế giới ảo”; trẻ con chơi điện tử, xem hoạt hình, cả gia đình hầu như không trò chuyện cùng nhau dù cùng ngồi trong một căn phòng... Mặt khác, cuộc sống càng hiện đại, đầy đủ, công nghệ tiên tiến, thông minh hơn thì dường như con người lại mất đi sự rung cảm trước cái đẹp...
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, để có được cuộc sống hạnh phúc thực sự trong thế giới hiện đại này, con người cần phải cân bằng các mối quan hệ với thiên nhiên, với con người, cân bằng giữa vật chất bên ngoài với thế giới nội tâm bên trong, cân bằng lại sự rung cảm trước cái đẹp. Văn học có thể giúp con người tìm được sự cân bằng đó. V ăn học không chỉ là đọc văn bản mà thông qua đó con người ta tìm lại những vẻ đẹp đã mất, gợi mở những rung cảm trong tâm hồn...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều rất ủng hộ việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động thực hiện “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Theo ông, b ữa cơm sum họp trong gia đình chính là văn học được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể . Trong bữa cơm đó, người ta ngồi cùng nhau, chia sẻ những điều mà họ q u an tâm…
Trong bữa cơm đó, người lớn truyền cho con trẻ lòng nhân ái, sự chia sẻ, yêu thương, xúc cảm với cuộc sống. Những điều này là thực sự cần thiết, giúp đứa trẻ ngay từ nhỏ đã được thấm đẫm cảm giác của cuộc sống hạnh phúc, nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc sau này...
Liên hợp quốc khi chọn 20/3 là Ngày quốc tế hạnh phúc cũng mong muốn truyền tải đến người dân toàn thế giới một thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa mang đến hạnh phúc.
Nguồn Báo Tin tức