Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thịt lợn là món ăn không thể thiếu được của người Việt, đặc biệt vào dịp Tết. Tuy nhiên ăn như thế nào là đủ, đảm bảo được dinh dưỡng mà không gây hại cho sức khỏe?
Thịt lợn có thể coi là loại thịt phổ biến và được sử dụng nhiều nhất ở nước ta hiện nay. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên ăn 3 lần/tuần.Thịt lợn khá lành tính, vì vậy, hầu như đối tượng nào cũng có thể ăn thịt lợn.
Phần lớn protein đều tập trung trong thịt nạc. Ngoài ra, thịt nạc còn chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ Hemoglobin trong thịt hơn là Hemoglobin trong thực vật. Bởi vậy, thịt nạc có tác dụng bổ sắt hiệu quả hơn rau.
Đặc tính của thịt lợn là mô xơ của thịt lợn mềm và có chứa mỡ nên thịt lợn sẽ dễ tiêu hóa hơn thịt bò. Các chuyên gia cho rằng, ăn thịt nạc thường xuyên sẽ có hiệu quả trong việc giảm ho và việc chữa trị táo bón.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, Đông y xem thịt lợn có giá trị dinh dưỡng bổ hư, tăng khí lực, bổ gan huyết, mượt da, cung cấp chất đạm cao và axit béo cần thiết cho cơ thể. Tiết lợn có nhiều chất cô ban phòng khối u phát triển, thích hợp cho người âm suy, táo bón nên ăn nhiều thịt lợn trong ngày.
Các bài thuốc trong Đông y đã được ghi chép lại như sau: Trị tiểu đường khi phối hợp thịt lợn với đậu cu ve, kết hợp chữa cao huyết áp là thịt lợn với mã thầy.
Thịt lợn hay phủ tạng của lợn đều ăn được. Tuy nhiên, người dùng phải chú ý gan có nhiều chất độc lưu lại, đảm bảo lợn không bệnh. Trong cuốn các món ăn từ động vật ở Việt Nam ghi lại rằng gan lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có độ đạm cao, chứa vitamin A, B, D cùng axid folic, nicotilic cần thiết cho cơ thể. Lượng vitamin A trong gan heo cao hơn nhiều so với sữa, trứng, thịt, cá.
Những người thiếu máu hay suy nhược nên thường xuyên ăn loại thực phẩm này.
Thịt lợn không nên kết hợp với thực phẩm nào?
Thịt lợn cũng chống chỉ định cho một số người như người cao huyết áp, mỡ máu vì thịt lợn là một trong các loại thịt động vật có lượng mỡ cao.
Y văn cũng cho rằng không nên ăn thịt lợn với tôm, ốc đồng, mơ, ô mai tương kỵ theo ngũ hành.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh có đúc kết những kinh nghiệm như, thịt lợn đặc biệt kiêng kỵ với ốc bươu, cam thảo, mơ, con tôm… Sự kiêng kỵ của các món ăn này theo tương quan ngũ hành. Nếu ăn thịt lợn với ốc dễ gây lạnh bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Thịt lợn chứa rất nhiều protein dùng với lá mơ dễ gây kết tủa lượng đạm khiến người ăn không thể hấp thu được. Cần kiêng kỵ để tránh gây tình trạng khó tiêu hóa, ngộ độc hoặc nhiễm độc lâu dài cho cơ thể.
Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý khi chọn thịt lợn để tránh thịt lợn gạo, thịt lợn có sán, nên mua ở những nơi có uy tín để đảm bảo lợn không bị bệnh. Các bạn cũng không nên ăn thịt lợn kèm với thịt bò, gan dê, đậu tương vì chúng có thể tương khắc với nhau, gây ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa.
Bệnh gì nên hạn chế ăn thịt lợn?
Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do ăn quá dư thừa calo như mỡ động vật, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Theo ý kiến của giới chuyên môn, cách tốt nhất để bạn ăn thịt mà không sợ tăng cân là không ăn thịt mỡ, chỉ nên ăn mình thịt nạc vì trong thịt nạc có chứa nhiều chất sắt, protein, vitamin B nhưng lại ít chất béo.
Thịt của những con thú béo, như lợn, có rất nhiều cholesterol. Nó không bị phá hủy ngay trong cơ thể con người mà hình thành những đường mỡ hoặc bức thành bằng mỡ bám trong mạch máu của những người ăn thịt.
Quá trình này cứ tiếp tục lớn dần theo năm tháng khiến máu huyết lưu thông kém dần. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cho cái gọi là xơ vữa động mạch. Nó làm cho quả tim phải làm việc rất vất vả, phải co bóp hết sức để đẩy máu đi trong các mạch máu đã bị bít lấp bởi mỡ. Và kết quả tất yếu là huyết áp cao, đau tim và đột quy.
Ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid – là nguyên nhân gây ra tiểu đường loại II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid cản trở hoạt động của insulin, điều này dẫn đến lượng insulin trong máu bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng cao. Nếu chuyển sang ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.
Chất thải chủ yếu của người là ure và acid uric. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, thận của những người ăn thịt phải làm việc nhiều hơn gấp 3 lần so với thận của người ăn chay vì nó phải bài tiết những độc tố nitơ phức hợp. Khi thận bị làm việc quá tải và mệt mỏi vì chế độ ăn nhiều thịt gây ra, các acid uric không bài tiết hết sẽ lắng đọng trong khắp cơ thể. Những thứ đó được các cơ bắp hút như miếng bọt biển hút nước.
Sau đó nó có thể đông cứng lại ở dạng tinh thể, khi xuất hiện ở khớp thì gây ra bệnh khớp, bệnh gout, bệnh viêm khớp. Khi các acid uric tập trung tại các dây thần kinh thì bệnh viêm dây thần kinh và đau dây thần kinh hông xuất hiện.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thịt có thể gây bệnh gan, bài tiết kém, bệnh ung thư…
Nguồn Infonet