Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày Thế giới phòng, chống lao 24.3: Tiến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao
Thứ năm: 23:17 ngày 23/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Việt Nam đứng thứ 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Người mắc bệnh lao không tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn.

Bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và tính mạng của con người. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Việt Nam đứng thứ 11/30 quốc gia có gánh nặng bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, sau 2 năm diễn ra dịch bệnh Covid-19, công tác phòng, chống lao tại nước ta đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Căn bệnh đe doạ sức khoẻ cộng đồng

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm 2023 có chủ đề: “Điều này đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!” (“Yes! We can end TB!”), nhằm thúc đẩy hành động nhanh chóng và hợp tác đa ngành để chống lại dịch bệnh lao và chấm dứt hoàn toàn có thể.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị bệnh lao trong những năm qua. Những tiến bộ đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ hoặc hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu chấm dứt bệnh lao toàn cầu bị chệch hướng.

Tác động rõ nhất là số bệnh nhân lao được phát hiện giảm trên toàn cầu, từ 7,1 triệu người (năm 2019) giảm 5,8 triệu người năm 2020. Giảm số ca bệnh lao có thể làm tăng số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng.

Theo số liệu WHO (công bố tháng 10.2022), trong 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi (tăng 4,5% so với năm 2021), 1,6 triệu người đã chết (bao gồm nhóm người không có HIV và gần 200.000 người sống chung với HIV), cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới, khi bình quân mỗi năm có trên 170.000 người mắc và khoảng 10.000 người chết do bệnh lao.

Bác sĩ Trần Trọng Vi- Phó trưởng Khoa Khám bệnh chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (BVLP) Tây Ninh cho biết, bệnh lao được đánh giá tỷ lệ điều trị khỏi, hoàn thành khoảng 94%, số tỷ lệ còn lại chết 3,2%, không đánh giá được 2,1%, thất bại 0,6%, chuyển kháng thuốc 0,1%.

Theo chương trình chống lao tỉnh năm 2022, số bệnh nhân lao được thu nhận điều trị là 2.625 người, tăng 160% số ca phát hiện lao so với năm 2021. “Đây là sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình chống lao sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19”- ông nói.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Cần phát hiện và điều trị kịp thời

Covid-19 và lao là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Theo bác sĩ Trần Trọng Vi, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó, lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80% - 85% tổng số ca bệnh), đây là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Người mắc bệnh lao không tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Cơ chế lây ở bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, sau đó đến các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh.

Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn, ho khạc đờm kéo dài trên 14 ngày...

Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh. “Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, triệt để nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh dịch tễ bệnh lao”- bác sĩ Vi khuyến cáo.

Chiến dịch 2X

Theo cam kết của Việt Nam, đến năm 2035 sẽ chấm dứt bệnh lao, tuy nhiên, công tác phòng, chống lao đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19, kết quả công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh bị đẩy lùi, đe doạ sức khoẻ cộng đồng. Từ khi có Chiến lược quốc gia sàng lọc lao 2X (chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert) giúp việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao thuận lợi hơn.

Bác sĩ Trần Trọng Vi nhận định: “Nhờ triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh lao, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao, đặc biệt phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, bảo đảm chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Tây Ninh là một trong 7 tỉnh, thành phố được Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức FHI 360 và Chương trình chống lao quốc gia triển khai hoạt động phát hiện, điều trị và dự phòng lao để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Theo đó, Dự án đã phát hiện 8.832 người mắc lao và 6.774 người nhiễm lao tiềm ẩn từ tháng 8.2020 đến 31.12.2022".

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% bệnh nhân lao chưa phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa được báo cáo.

Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng của gần 12.000 người/năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Năm 2023, “năm của hy vọng”, chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người, tiến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh