Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày xuân viếng Thiền Lâm tự
Thứ bảy: 07:41 ngày 02/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Viếng chùa Gò Kén ngày xuân đã trở thành một nét đẹp văn hoá, không chỉ của người thị xã Hoà Thành, mà còn của phật tử và du khách trong và ngoài tỉnh Tây Ninh.

Đã quá nửa tháng Giêng, mà cảnh sắc chùa Gò vẫn rạng ngời. Đèn lồng và những dây lụa đỏ treo dưới tán cây cao vẫn rập rờn trong gió. Những dãy bông vạn thọ vẫn nở vàng tươi trên mọi lối nẻo sân chùa- từ sân trước 2 dãy tượng các vị La hán tạc bằng đá núi Bà cho đến các sân vườn tiểu cảnh chung quanh. Hồn hậu những xe bò, đụn rơm, lều tre, quán lá…

Năm rồng, nên tôi dừng hơi lâu trước tượng La hán hàng long. Rồng dũng mãnh là thế mà giờ đây chịu phép nằm yên dưới chân một vị bồ tát cực kỳ dũng mãnh. Đối diện là tượng La hán phục hổ. Hổ của ngài dường như đã được thuần hoá, để ngài ung dung cưỡi lên đi viếng cảnh chùa.

Dưới cội bồ đề

Gò Kén vào xuân. Cây bồ đề cổ thụ cho Đức Phật Thích Ca ung dung tựa gốc. Dường như cây vừa trút hết lá già, để trên những cành khô gầy guộc lấm tấm xanh ngời những lá non và lộc nõn. Trước sân tượng là người hành hương kính cẩn lễ lạy Phật…

Và ở đâu mà không có cảnh này. Từ trong ngôi chính điện lấp lánh những sơn son thếp vàng tượng cổ, đài tượng Bồ tát Di Lặc cho đến các khu tượng Quán Thế Âm, tượng Phật nằm. Hay ở các toà miếu nhỏ, thờ bà Thánh mẫu Linh Sơn, bà Thiên Hậu và Mẫu Địa. Hoặc bên trái chùa là nơi thờ bà Chúa xứ…

Và đặc biệt là trong toà Đại hùng bửu điện mới xây xong, có pho tượng Phật đúc đồng nặng 32 tấn. Tất cả đều thấy dòng người thành kính trang nghiêm, kính cẩn lễ trước các ban thờ. Bên cạnh dòng phật tử, còn có một dòng đông đúc khách hành hương. Họ đến cả những nơi chùa mới mở, như gian hàng gây quỹ học bổng “Ươm mầm trí tuệ”, phòng thuốc nam nằm ở một góc bên phải sân chùa.

Bên ngôi chính điện

Chơi trò cưỡi ngựa

108 trụ kinh luân nhỏ.

Điểm thu hút phật tử và du khách trong dịp đầu Xuân Giáp Thìn này là dãy nhà đặt các trụ kinh luân, nằm bên trái đài tượng Quán Thế Âm Bồ tát. Đấy là dãy nhà dài, cong như một vòng tay ôm lấy hồ nước đặt tượng đài. Nhà cột gỗ, mái ngói, xây lan can gạch trần mộc mạc. Nhưng bây giờ phía trong luôn toả sáng. Đấy là nhờ 108 trụ kinh luân bằng đồng hình trụ tròn luôn quay tít.

Ở đầu nhà là một trụ kinh luân chính, cũng bằng đồng đúc hình trụ tròn. Trụ chính cao 4,5m, đường kính 2,5m. 108 trụ nhỏ có đường kính 62cm và cao 120cm. Mặt trụ sáng ngời đúc nổi nhiều vòng chữ Phạn. Kinh luân, còn gọi là bánh xe cầu nguyện là: “một trong những phương pháp thực hành tâm linh đơn giản và hiệu quả.

Bất kể bạn có phải là tín đồ Phật giáo hay không, chỉ cần quay hoặc ở gần một kinh luân, bạn sẽ nhận được những năng lượng từ trường an lành vô cùng tích cực, khiến tịch hoá vô vàn nghiệp xấu và giúp thân tâm trở nên an lạc…” (Bảng giải thích đặt trước nhà).

Trụ kinh luân được thấy đầu tiên là trên đỉnh núi Bà. Và nhà đặt kinh luân đầu tiên là ở chùa Gò Kén - Thiền Lâm. Nhưng ở đây, các trụ kinh luân vừa tầm tay từ trẻ em đến người lớn nên có cảm giác gần gũi hơn, và luôn được tay người chạm vào, xoay tít.

Viếng chùa Gò Kén ngày xuân đã trở thành một nét đẹp văn hoá, không chỉ của người thị xã Hoà Thành, mà còn của phật tử và du khách trong và ngoài tỉnh Tây Ninh.

N.Q.V

Tin cùng chuyên mục