BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề bốc vác - Nặng nhọc và thiệt thòi

Cập nhật ngày: 23/05/2011 - 12:05

Nghề bốc vác được hình thành từ nhu cầu thực tế của xã hội. Hầu như tại các công ty, xí nghiệp nào cũng luôn có đội ngũ công nhân bốc vác để bóc dỡ hàng hoá từ phương tiện vận chuyển vào kho hoặc ngược lại. Tiền công cho người lao động bốc vác, thường được tính theo khối lượng sản phẩm. Trong thời kinh tế thị trường, các công ty, xí nghiệp ra đời càng nhiều thì số công nhân bốc vác càng tăng và càng “trẻ hoá”. Số đông lao động bốc vác thường ở độ tuổi 20, 30. Người lao động nào cũng phải làm việc, nhưng điều đáng nói là những người làm nghề bốc vác thường làm việc vất vả, nặng nhọc hơn các dạng lao động khác nhưng thực tế họ lại bị thiệt thòi hơn rất nhiều, nhất là khi có sự cố xảy ra.

Công nhân bốc vác không có khái niệm về thời gian làm việc, bởi vì công việc phụ thuộc vào yêu cầu của chủ bất kể ngày, đêm. Những khi có hàng hoá nhiều, phải làm cả ban đêm là chuyện bình thường. Thậm chí, có khi còn phải làm suốt cả ngày đêm để đáp ứng yêu cầu của chủ hàng. Đó là chưa nói đến tình trạng phải lao động nặng nhọc trong môi trường bụi bặm, ô nhiễm. Tất cả những cố gắng của công nhân bốc vác không ngoài mục đích: thu nhập. Thế nhưng, để có mức thu nhập kha khá từ nghề bốc vác chẳng phải dễ dàng gì. Bởi vì hiện nay, tiền công bốc vác bình quân cho tất cả các mặt hàng chỉ ở mức 20.000 đồng/tấn. Như vậy, muốn có 100.000 đồng/ngày thì người bốc vác phải “cõng” trên lưng…  5 tấn hàng hoá mỗi ngày. Những lúc phải làm cả ban đêm, tất nhiên thu nhập có cao hơn nhưng sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn do sức lao động phải bỏ ra gấp mấy lần bình thường.

Công việc bốc vác luôn nặng nhọc vất vả

Điều thiệt thòi nhất đối với những người làm công bốc vác là ngoài tiền công lao động, họ chẳng được hưởng chút quyền lợi gì, kể cả khi bị tai nạn lao động phải nghỉ việc dài ngày. Thường thì hằng năm các chủ doanh nghiệp cũng có ký hợp đồng với những người hành nghề bốc vác. Thế nhưng- theo lời một số công nhân bốc vác thuộc hàng “lão làng”, trong các hợp đồng thường chỉ nêu nội dung cơ bản là sự thoả thuận về giá cả khuân vác hàng hoá mà thôi, không có bất cứ điều khoản nào liên quan đến quyền lợi của người lao động. Cụ thể như các khoản bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế… đều không hề có trong đó. Vì thế, khi công nhân bốc vác gặp tai nạn rủi ro, gia đình họ thường phải lâm vào cảnh khốn cùng. Anh Nguyễn Văn Ngoan nhà ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành là một trong những trường hợp như vậy. Anh là công nhân bốc vác chuyên nghiệp nhưng trong một lần vác thuốc lá, sợi dây xích móc bửng xe bị đứt khi anh đang đi trên đòn dài (đây chỉ là tấm ván gỗ có bề ngang 0,5 m, dài khoảng 5-6m bắc từ dưới đất lên thành xe) để chuyển hàng lên xe. Hậu quả là anh bị té gãy tay. Khi tai nạn xảy ra, chủ hàng chỉ hỗ trợ cho anh 1 triệu đồng. Đó là khoản tiền duy nhất anh được hưởng. Tai nạn buộc anh Ngoan phải nghỉ làm cả tháng trời, chẳng những không có thu nhập mà gia đình còn phải tốn thêm tiền lo thang thuốc cho anh. Không được như anh Ngoan (còn được chủ hàng quan tâm hỗ trợ đôi chút), anh Nguyễn Văn Thành nhà ở ấp Long Kim, xã Long ThànhTrung (Hoà Thành) còn thê thảm hơn nhiều. Một lần, anh đang cùng ba đồng nghiệp vận chuyển hạt điều từ thùng xe container xuống kho, do đất lún, thùng xe bị lật, cả bốn người đều bị thương. Riêng anh Thành bị nặng nhất- phải đưa đến cơ sở y tế may vết thương ở đầu, tay, phải nghỉ làm hơn nửa tháng. Thế nhưng anh chẳng nhận được sự hỗ trợ nào, kể cả lời thăm hỏi.

Hầu hết những người làm nghề bốc vác đều là lao động chính trong gia đình. Do đó khi có sự cố rủi ro xảy ra, cả gia đình họ thường lâm cảnh rối rắm, túng quẫn, nợ nần.

Nghề bốc vác là nghề chân chính, được xã hội công nhận. Những người làm nghề này- thường là những người học vấn thấp, ít hiểu biết về luật pháp và đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ chỉ mong bỏ sức lực, mồ hôi ra để đổi lấy bát cơm, manh áo cho bản thân và gia đình. Tuy không thấy yên tâm trước những nguy cơ có thể xảy ra trong công việc nặng nhọc của mình nhưng họ cũng chẳng biết “kêu” với ai, trông cậy vào ai. Họ chỉ mong được sự quan tâm thoả đáng hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng và các chủ sử dụng lao động, để quyền lợi của người lao động nói chung và giới bốc vác nói riêng đỡ bị thiệt thòi, đặc biệt là khi có tai nạn lao động xảy ra.

Duy ĐỨc