Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Suốt mấy trăm năm qua, người dân huyện Thạch Thất – Hà Nội đã quá quen với việc đào đá ong để làm nhà ở. Thế rồi thời cuộc đổi thay, cái nghề đầy vất vả, cực nhọc thuở nào nay bỗng đem đến cho họ một cái nghề “no cơm, ấm áo”.
Suốt mấy trăm năm qua, người dân huyện Thạch Thất – Hà Nội đã quá quen với việc đào đá ong để làm nhà ở. Thế rồi thời cuộc đổi thay, cái nghề đầy vất vả, cực nhọc thuở nào nay bỗng đem đến cho họ một cái nghề “no cơm, ấm áo”.
Nếu ai đã một lần đến Thạch Thất, chắc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những ngôi nhà, cổng làng, giếng nước, bờ tường… được xây bằng thứ gạch đá ong màu gan gà vàng rộm, sần sùi, thô ráp nhưng mang một vẻ đẹp mộc mạc hợp với cảnh chốn làng quê.
Đá ong vốn là thứ đá mềm, xốp, lỗ chỗ như tổ ong. Do có thành phần cấu tạo chủ yếu là oxid sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất chúng khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí thì càng để lâu càng cứng. Vì vậy, người ta thường khai thác để làm vật liệu xây dựng thay cho gạch.
Thạch Thất là vùng đất có nhiều mỏ đá ong, nên thuở xưa, người ta khai thác chúng chủ yếu cũng chỉ để làm vật liệu xây dựng vì không mất tiền lại sẵn có trong tự nhiên. Dần dà người ta phát hiện ra đá ong không chỉ là một loại vật liệu xây dựng rẻ, bền, đẹp mà còn có thể dùng làm được nhiều việc khác như tạc tượng và những đồ vật trang trí cho các công trình xây dựng… Chính vì vậy, người Thạch Thất mới nghĩ ra một nghề mới để kiếm sống, đó là nghề làm đồ mĩ nghệ bằng đá ong.
Độ chục năm trở lại đây, ở Thạch Thất có xã Bình Yên nổi lên với nghề làm đồ trang trí bằng đá ong. Sản phẩm làm ra đến đâu gần như bán hết ngay đến đó, nên dân trong vùng cũng giàu lên nhanh chóng nhờ cái nghề này.
Hiện ở xã Bình Yên có khoảng 200 hộ sống bằng nghề khai thác và chế tác đá ong. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Dân ở thôn Yên Mỹ, chủ một cơ sở khai thác và chế tác đá ong nổi tiếng trong vùng. Anh theo nghề đã 12 năm và hiện cả nhà có 4 người cùng làm nghề.
Chia sẻ về nghề đá ong, anh Dân cho rằng đây là công việc đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và phải khéo tay. Theo anh, kỹ thuật khai thác và chế tác đá ong, về cơ bản bao đời nay vẫn thế. Đó là một nghề thủ công nên chỉ cần có sức khỏe, sự khéo tay và một vài dụng cụ đơn giản là người ta đã có thể mở hiệu hành nghề.
Về thăm xưởng sản xuất của anh Dân, ngoài những hàng lớn gạch đá ong, chúng tôi còn thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp tự nhiên được chế tác bằng đá ong như tượng rồng, voi, hổ, báo, sư tử, trâu, gà, chó… thậm chí có cả những chiếc đèn kiểu cổ, chậu hoa khá tinh xảo. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan nhà xưởng, anh Dân vừa nói nửa đùa nửa thật: “Ngày xưa, dân vùng này lấy đá ong để xây nhà, xây chuồng lợn, còn bây giờ đá ong dùng để chế tác ra những sản phẩm cao cấp dành cho người giàu”.
Câu nói đùa của anh Dân xem ra cũng có lý, bởi bây giờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm đá ong trong xây dựng khá lớn, nhất là các công trình chùa chiền hoặc những ngôi nhà muốn làm theo lối cổ. Những dạng công trình này, để tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, thân thiện và gần gũi, đá ong là loại vật liệu đắc dụng nhất. Có lẽ vì thế mà ngày càng có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền của để chơi đá ong. Và cũng nhờ đó mà bây giờ người dân Bình Yên nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung vừa có của ăn của để, lại vừa có thể góp ích làm đẹp cho đời.
Theo BAVN