Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nghề đóng ghe, xuồng
Thứ hai: 10:37 ngày 28/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mùa lũ năm nay, thảng hoặc mới có vài khách hàng trong tỉnh tới mua xuồng mới.

“Nghề đóng ghe, xuồng của tôi là nghề cha truyền con nối mấy chục năm nay. Thời gian trước làm ăn cũng khấm khá nhưng mấy năm nay, nghề này bắt đầu trồi sụt, lên xuống như con nước. Đóng ghe bây giờ cũng như công việc lao động thời vụ vậy, không đủ nuôi sống gia đình. Xuồng tôi đóng thường bán về miệt Long An, Đồng Tháp chứ ở tỉnh mình đứng hàng lắm. Có khi một tháng không bán được một chiếc”.

Ông Sáu Cưng (Đinh Văn Cưng) 54 tuổi- một chủ trại ghe ở ấp Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu- cho biết như vậy.

Trại ghe của ông Sáu Cưng

Trại ghe của ông Sáu Cưng hiện có ba người thợ: hai anh thợ mộc, một chị thợ trét. Thu nhập của thợ mộc là 150.000 đồng/ngày (cơm nước tự túc) còn thợ trét là 70.000 đồng/ngày. “Nhưng nghề này chỉ làm từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch vì mấy tháng đó là mùa nước nổi, xuồng ghe bán được. Còn mấy tháng khác nhằm mùa khô, ai mua xuồng làm gì. Thời gian đó tụi tui đi cắt lúa, vó cá, giăng câu… kiếm sống nuôi gia đình. Nghề này không phải làm suốt năm như nghề khác được”. Một anh thợ mộc ở trại ông Sáu Cưng vừa nện từng nhát búa xuống cây đinh đang đóng dở vào thân xuồng vừa nói.

Gỗ để đóng xuồng ghe ở trại ông Sáu là gỗ sao, keo, bạch đàn, tràm vàng, thường là gỗ vườn, và ông phải lặn lội vô tận vườn tìm mua mới có giá rẻ. Mua về lại ì ạch mang tới xưởng cưa để xẻ ra. Là lấy công làm lời, chứ nếu mua ở trại cưa thì cây mắc, giá xuồng bị đội lên sẽ khó bán cho bà con nông dân nghèo.

Mùa lũ năm nay, thảng hoặc mới có vài khách hàng trong tỉnh tới mua xuồng mới. Vậy mà mỗi ngày, trại ghe ông Sáu Cưng vẫn phải xuất hai- ba chiếc. Thì ra ông bán xuồng cho một người ở miền Tây, người này mua để cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Mỗi chiếc xuồng ba lá dài 5m, thơm nức mùi gỗ mới chỉ bán với giá chừng 1 triệu đồng. Sau khi trừ công, vốn… ông Sáu chỉ kiếm được trăm ngàn.           

Để khỏi phải bị “cứng tay” khi mỗi năm phải nghỉ nghề đến hơn sáu tháng, những người thợ ở trại ông Sáu Cưng khi có dịp lại đi làm mộc ở một vài xưởng cưa nào đó. Bản thân ông chủ trại thì lo công việc ruộng, nương, tranh thủ lúc rảnh đi tìm mua cây về cưa xẻ, phơi phóng để dành dùng cho mùa sau. Nghề đóng ghe của ông vẫn tồn tại nhưng cứ “dập dềnh” như con nước vậy. Những người thợ đóng ghe ở trại ông Sáu Cưng cũng như bao người thợ ở những trại ghe khác cứ loanh quanh với bài toán giữ nghề mà chưa tìm được cách nào để phát triển nó.

THUỲ TRANG

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục