BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề gò nhôm ở phường Hiệp Ninh: Loay hoay bươn chải

Cập nhật ngày: 26/03/2013 - 06:10

(BTN)- Hàng chục năm qua, nhiều hộ gia đình ở khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh đã quen theo đuổi cái nghề gò nhôm. Đây là nghề từng giúp cho nhiều người ở đây có được cuộc sống tuy không dư dả nhưng cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện nay nghề gò nhôm đang chịu sức ép không nhỏ trước sự cạnh tranh quyết liệt của những sản phẩm công nghiệp hiện đại.

Anh Hiền thiết kế mẫu chảo nhôm

Trước kia, người ta gọi xóm này là “xóm gò thùng”, người dân trong xóm quen làm các mặt hàng từ tôn thiếc, hàng làm ra là những vật dụng như thùng, gàu dùng để xách nước, gáo múc đường dùng trong các lò đường thủ công. Về sau, nhiều loại thùng nhựa xuất hiện trên thị trường, lấn át các loại thùng thiếc; các lò đường thủ công thì rơi vào tình cảnh bế tắc, phải đóng cửa do cạnh tranh không lại các nhà máy đường có công suất lớn. Các mặt hàng thùng thiếc, gáo đường vì thế cũng trở nên ế ẩm. Đang lúc bà con xóm gò thùng chán nản thì có người phát hiện ở các vựa ve chai có nhiều vật dụng bằng nhôm của Mỹ như ống trái sáng, mảnh vỡ máy bay từ thời chiến tranh còn lại. Sẵn có tay nghề, nhiều người trong xóm đi mua lại những mảnh nhôm phế thải về gò lại thành nồi, niêu, xoong, chảo… dùng trong gia đình, rồi đem bán ra thị trường, không ngờ được thị trường chấp nhận. Thấy kiếm sống được, lần lượt mọi người chuyển hẳn sang gò nhôm.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Võ Văn Ánh- một trong những hộ gắn bó với nghề gò nhôm từ trước ngày miền Nam giải phóng. Anh Ánh năm nay đã gần 50, anh theo nghề này từ lúc mới 15 tuổi. Anh Ánh lấy ra cho chúng tôi xem một số vật dụng như lư hương, chuông, đĩa chưng trái cây, muỗng, vá… bằng nhôm do chính tay anh làm ra. Chúng có độ dày, cầm lên khá nặng và chắc chắn. Thử dùng cây gõ vào cái chuông, nghe tiếng vang to và thanh không khác tiếng chuông đồng. Anh Ánh kể: dần dần nhôm phế thải cũng hết, bà con xóm gò nhôm lại phải tự xoay xở bằng cách phải lặn lội xuống tận thành phố Hồ Chí Minh lùng tìm nhôm nguyên liệu. Trong khi hầu hết bà con trong xóm sản xuất chảo, vá, muỗng… thì anh Ánh tìm hướng đi riêng bằng cách tập trung chế tạo ra các loại nồi, xửng hấp… Anh chỉ cho chúng tôi xem cả chục chiếc nồi nấu cơm lớn, nhỏ các loại, có cả nồi chuyên dùng nấu nước lèo, xửng hấp bánh bằng nhôm và inox mà anh vừa gò xong. “Những chiếc nồi nước lèo, xửng hấp bánh này có thể bán cho cư dân các thị trấn, Thị xã trong tỉnh, nhưng nồi nấu cơm thì chỉ bán được cho bà con vùng nông thôn (đặc biệt dân miền Tây rất thích sử dụng loại nồi này). Vì hiện nay ở thành thị, nồi cơm điện, bếp gas đã thay thế hết nồi nhôm nấu bằng bếp củi truyền thống”. 

Gò chảo

Chia tay anh Ánh, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ nhôm của anh Nguyễn Văn Hiền, 49 tuổi. Gia đình anh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề gò nhôm. Khuôn viên nhà anh khá rộng, từ sân trước đến sau hè, chỗ nào cũng có công nhân đang miệt mài lao động. Anh Hiền chịu trách nhiệm thiết kế mẫu. Công việc của anh là trải những tấm nhôm lên một chiếc bàn gỗ, vẽ mẫu và dùng dao cắt ra, giao cho 6 người thợ gò. Dừng tay nghỉ mệt, anh Hiền cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi làm ra khoảng 400 - 500 sản phẩm, gồm chảo, nòng (hay còn gọi là chảo chặn) vá, muỗng… Các mặt hàng này bán ở Tây Ninh rất ít, chủ yếu đem bán ở các tỉnh Tây Nam bộ hoặc bán sang Campuchia”. Theo lời anh, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua 8 công đoạn, đều làm thủ công: vẽ mẫu, cắt, nướng nhôm, gò, gọt lại, ngâm vào axit loãng, chùi bóng, cuối cùng là phơi khô. Thử cầm một chiếc chảo lên xem, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng trơn láng và bóng lộn như được sản xuất bằng kỹ thuật cao, tuyệt nhiên không còn tìm thấy một vết gợn hay lồi lõm nào. Anh Hiền giải thích: “Chảo phải có độ bóng và khi chiên không bị dính. Khách hàng ưa chuộng hay không là ở điểm này”.

Nghề gò nhôm đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân ở xóm gò nhôm. Anh Trần Văn Chín, 39 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Long Thành Trung, đến làm việc tại cơ sở sản xuất đồ nhôm của gia đình anh Hiền đã hơn 20 năm nay. Anh là một trong những thợ gò chảo nhôm thuộc loại giỏi ở đây. Trong các công đoạn sản xuất chảo nhôm thì việc nướng và gò được xem là nặng nhọc nhất. Quan sát, chúng tôi thấy anh Chín nướng cùng lúc 3 cái chảo một lượt. Anh Chín bảo: “Làm như vậy vừa nhanh, vừa giữ cho các chảo nóng, dẻo lâu, dễ gò”. Trung bình, mỗi ngày anh gò được từ 150 đến 200 cái chảo lớn, nhỏ, thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày.

Tại các điểm hành hương như núi Bà Tây Ninh, núi Cậu tỉnh Bình Dương chúng tôi từng nhìn thấy các sản phẩm chảo, nồi, muỗng… được bày bán cho khách du lịch. Nhiều du khách tỏ ra rất thích mua các sản phẩm được làm từ bàn tay của các thợ gò nhôm ở phường Hiệp Ninh. Tại Khu du lịch núi Cậu, chúng tôi gặp chị Chín Bé, nhà ở phường Hiệp Ninh đang bán hàng ở đây. Chị đã nhiều năm đến đây buôn bán nồi, chảo, muỗng… lấy từ xóm gò nhôm Hiệp Ninh, vì đây là “thương hiệu” được khách hàng ưa chuộng. Chị Hiền- một khách hàng nhà ở tỉnh Tiền Giang cho biết: “Dân miền Tây chúng tôi rất thích xài loại nồi này, mặc dù nó không được sáng bóng như các loại nồi nhôm khác nhưng nó bền và rất dễ nấu, phù hợp với điều kiện của người dân vùng sông nước”.

Tuy nhiên, so với nhiều sản phẩm có tiếng khác của Tây Ninh như mây tre, bánh tráng, muối tôm… ít nhiều đã vươn ra được nước ngoài, thì những sản phẩm đồ nhôm ở Hiệp Ninh có phần hẩm hiu hơn, vẫn cứ loay hoay chòi đạp, bươn chải với thị trường. Nghĩ mà tiếc cho những người thợ gò nhôm, có tay nghề điêu luyện chẳng khác “nghệ nhân” thế mà đến giờ cũng vẫn chưa có cách gì để có thể làm cho cái nghề của mình được “mở mày mở mặt”…

Dương Sông Ninh